Ngày 22/5, Ngân hàng Nhà nước thông báo về kết quả đấu thầu thị trường mở với lãi suất lên tới 4,5%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã cho 9 thành viên vay tổng cộng gần 25.000 tỷ đồng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với lãi suất 4,5%/năm, kỳ hạn 7 ngày. Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO trong vòng 1 tháng qua.
Trước đó, trong phiên 23/4, Ngân hàng Nhà nước cũng từng nâng lãi suất trúng thầu trên kênh OMO từ 4% lên 4,25%/năm và mức lãi suất này duy trì đến phiên 21/5.
Cũng trong phiên hôm nay, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 650 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất trúng thầu đã tăng từ 3,9%/năm trong phiên trước đó lên 4%/năm, cao nhất kể từ tháng 3/2023. Có hai thành viên tham gia đấu thầu và cả hai đều trúng thầu.
Tỷ giá đã qua "cơn sóng gió" nhưng vẫn là áp lực của doanh nghiệp
Dù tỷ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt, song chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần tính đến các công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như cân nhắc các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ.
Các chuyên gia nhận định việc nâng lãi suất OMO cũng có thể giúp Ngân hàng Nhà nước giảm áp lực phải bán ra ngoại tệ. Trong những phiên gần đây, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại lại tiếp tục chạm trần.
Theo khảo sát tại các ngân hàng phiên sáng nay Vietinbank thông báo giá mua vào là 25.263 đồng/USD và bán ra là 25.466 đồng/USD, tăng 3 đồng. Ngân hàng Vietcombank và BIDV cùng niêm yết từ 25.266-25.466 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng 3 đồng so với chốt phiên trước. Tương tự, Ngân hàng Agribank thông báo từ 25.263-25.463 đồng/USD, cộng thêm 4 đồng so với chốt phiên trước.
Thực tế, trong suốt gần 1 tháng qua, dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp song tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn liên tục kéo sát, thậm chí kịch trần cho phép. Điều này gây ra áp lực lớn đối với dự trữ ngoại hối vốn chỉ ngấp nghé ngưỡng an toàn (3 tháng nhập khẩu) theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế./.