Ngân hàng Nhà nước tăng cường an ninh tiền gửi sau sự cố tại Eximbank

Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ, nhân viên của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước tăng cường an ninh tiền gửi sau sự cố tại Eximbank ảnh 1Giao dịch tại Eximbank. (Nguồn: Eximbank)

Ngay sau vụ khách hàng của Eximbank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh bị mất hơn 301 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động và xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Theo đó, các tổ chức tín dụng cần chấp hành nghiêm chỉnh quy định về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng… Các ngân hàng thương mại cần tuân thủ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch.

[Bắt nguyên cán bộ ngân hàng tự ý rút tiền gửi tiết kiệm của khách]

Bên cạnh đó, các ngân hàng phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị của tổ chức tín dụng, các cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ, nhân viên của tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với tổ chức tín dụng. Thực hiện tốt công tác truyền thông để khách hàng nắm, tuân thủ các quy định, quy trình, bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch tại tổ chức tín dụng đúng quy định.

Ngoài ra, phải tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng cũng cần phải Kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc sai phạm, các vi phạm quy định của pháp luật; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc triển khai, thực hiện," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục