Ngân hàng Nhà nước: Sẽ không hạ trần lãi suất huy động

Bà Hồng cho rằng, dự kiến lạm phát năm nay chỉ khoảng 5% thì mức trần lãi suất 6% như hiện nay vẫn tiếp tục phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Ngân hàng Nhà nước: Sẽ không hạ trần lãi suất huy động ảnh 1Trần lãi suất vẫn được giữ nguyên. (Nguồn: TTXVN).

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 29/8 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng tính đến ngày 21/8 tăng 4,33% và có thể tăng 10% trong năm nay. Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục điều hành lãi suất dựa trên diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát.

Không hạ trần lãi suất

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, từ nay đến cuối năm chỉ hơn 4 tháng, song đây là cao điểm tín dụng hàng năm, nên Ngân hàng Nhà nước vẫn đánh giá, đến hết năm, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 10%.

Để đẩy mạnh tín dụng những tháng cuối năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong điều hành luôn sẵn sàng dành lượng tiền cung ứng để cho vay tái cấp vốn các gói hỗ trợ mà Chính phủ đề ra như: Gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, cho vay tái canh cà phê, phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng bám sát và làm việc với các doanh nghiệp thông qua các chương trình kết nối trên địa bàn có sự tham gia của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tín dụng. Tuy nhiên, đối với hệ thống ngân hàng đã và đang sẽ triển khai tích cực nhiều giải pháp. Đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của từng Bộ, ngành nhưng còn vướng mắc về xử lý tài sản đảm bảo hay việc đẩy nhanh cơ chế bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng cần phải tích cực.

Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục điều hành lãi suất dựa trên diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát. Trong những ngày qua, một số tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất kỳ hạn ngắn, giữ nguyên kỳ hạn trung và dài hạn. Vấn đề này là do tổ chức tín dụng tự cân đối giá vốn đầu vào, cân đối các kỳ hạn nên cơ cấu lại nguồn vốn của mình.

"Theo dự báo của nhiều cơ quan và của cả Ngân hàng Nhà nước, lạm phát năm nay chỉ khoảng 5% hoặc trên 5%. Với mức lạm phát này, trần lãi suất 6% như hiện nay vẫn tiếp tục phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên," Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm, đến ngày 14/8, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,45% tổng dư nợ cho vay VND. Dư nợ có lãi suất trên 13% chiếm 12,45% tổng dư nợ cho vay bằng VND.

Nợ xấu ở mức 4,17%

Bà Hồng cho biết, đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu của hệ thống ngân hàng chiếm 4,17% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013.

Theo bà Hồng, có nhiều nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng; trong đó có nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khiến tới hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 09 về phân loại nợ cũng như quy định trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu thời gian vừa qua cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng.

Theo phân tích của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù Thông tư 09 cho phép tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 ban hành từ năm 2012, tức là cho thực hiện tới 4/2015, nhưng Thông tư này có những quy định theo hướng chặt chẽ để đảm bảo quá trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ không bị lạm dụng. Cụ thể, các tổ chức tín dụng phải có quy trình nội bộ để kiểm tra kiểm soát quá trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ, báo cáo Ngân hàng Nhà nước trường hợp cần thiết…

Ngoài ra, phạm vi phân loại nợ cũng rộng hơn trước, trước kia chỉ phân loại đối với tín dụng nay yêu cầu phân loại cả trái phiếu đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước: Sẽ không hạ trần lãi suất huy động ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Tái cấp vốn cho ngân hàng bằng trái phiếu đặc biệt

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tế vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại dựa trên trái phiếu đặc biệt cấp bởi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nhưng tỷ lệ còn khiêm tốn vì các tổ chức tín dụng hiện đang dư thừa thanh khoản.

"Vài ngày trước, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động. Điều này, theo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, là các tổ chức tín dụng huy động được vốn với lãi suất thấp hơn 6% không khó khăn," bà Hồng nói.

Vì vậy, trong vai trò của nhà điều hành, Ngân hàng Nhà nước đang cân đối tổng thể các kênh điều hành cung ứng tiền để kiểm soát khâu lạm phát.

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng-Chủ tịch Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được 58.937 tỷ nợ xấu của 35 tổ chức tín dụng với 3.536 khoản nợ và giá mua là 48.976 tỷ đồng.

Thời gian qua VACM đã xử lý nợ xấu và hỗ trợ tổ chức tín dụng đưa ra ngoại bảng hơn 59.000 tỷ đồng và không phải sử dụng một đồng vốn ngân sách Nhà nước nào.

Theo ông Hùng, 8 tháng qua tốc độ mua nợ xấu của VAMC có thể chậm nhưng đó là theo lộ trình của các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng xác định tự tái cấu trúc chính mình nên việc bán nợ cho VAMC phải theo kế hoạch. Thời gian tới, các tổ chức tín dụng sẽ rà soát đánh giá việc phân loại nợ theo Thông tư 09 và sẽ bán với số lượng lớn hơn VAMC đưa ra. Ông Hùng khẳng định, trong năm 2014, VAMC có thể mua được 70.000 tỷ đồng nợ xấu.

Cũng theo ông Hùng, VAMC không chỉ mua nợ xấu về bán mà phải phân tích rà soát để xem có khoản nợ nào có thể hỗ trợ. Khoản nào có thể phục hồi thì sẽ đưa về lãi suất hợp lý, doanh nghiệp nào có khả năng kinh doanh sẽ tiếp tục được vay vốn.

Ông Hùng cho biết thêm, đối với các doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, VAMC đã phối hợp với tổ chức tín dụng phát mại tài sản. Tuy nhiên cho đến nay, các đơn vị này đã tổ chức đấu giá tài sản lần thứ 3 nhưng vẫn chưa thành công. Có tổ chức tín dụng tổ chức phát mại đấu giá lần 5 vẫn chưa thành công kể cả khi tài sản đảm bảo phát mại với giá thấp hơn hoặc theo giá thị trường.

Mặc dù vậy, chủ tịch VAMC vẫn khẳng định VAMC là mô hình đặc thù phù hợp với Việt Nam.

Ông Hùng cho biết, VAMC cũng đã kiến nghị được tăng vốn điều lên 2.000 tỷ đồng để đảm bảo đủ nguồn lực và vị thế huy động vốn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục