Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2022, diễn ra ngày 15/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng phấn đấu điều hành giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%; ổn định tỷ giá khi giá cả hàng hoá tăng cao, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; kiểm soát lạm phát bình quân 4% trong bối cảnh lạm phát trên thế giới tăng cao, nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát hiện hữu.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều biến động trong thời gian qua cũng sẽ tác động đến ngành ngân hàng.
Do đó, những tháng cuối năm ngành sẽ có nhiều thách thức, đòi hỏi sự điều hành khéo léo của chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước.
[Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nới hạn mức tín dụng]
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế; theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Về điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục linh hoạt điều hành, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động mua bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, về điều hành tín dụng chung đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tính đến ngày 30/6 tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Cơ cấu tín dụng tập trung theo đúng định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, các tổ chức tín dụng cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục đánh giá khả năng phát triển bền vững của các ngành kinh tế nhất là các ngành động lực tăng trưởng nhanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế sáu tháng.
Tín dụng với một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong việc cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, dự án quy mô lớn, phân khúc cao cấp...
Đồng thời, tập trung tín dụng vào việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, nhà ở giá rẻ./.