Ngân hàng Nhà nước mua VNCB nhằm tái cơ cấu lại ngân hàng này

Với việc Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu của VNCB, mọi lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB sẽ bị chấm dứt toàn bộ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 2/2, Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.

Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 31/1, đại hội đồng cổ đông bất thường VNCB đã được tổ chức tại Long An để thông báo công khai về kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của ngân hàng, và thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

Đại hội đồng cổ đông quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước mua VNCB để củng cố, phục hồi lại hoạt động nhưng trước tiên và quan trọng nhất đó là nhằm mục tiêu có tiền trả cho người dân (có nhu cầu rút tiền gửi tại ngân hàng này - PV).

"Thà mất tiền để có sự bình ổn trong xã hội sẽ tốt hơn nếu người dân mất tiền sẽ dẫn đến niềm tin mất, bất ổn xã hội rồi dẫn đến nhiều vấn đề khác mà mức chi phí đó còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang và sẽ tiếp tục chọn phương án trên đối với ngân hàng thương mại," lãnh đạo trên nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, với việc Ngân hàng Nhà nước nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) tham gia quản trị, điều hành VNCB, VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Vào đầu tháng 8/2014, Ngân hàng Nhà nước giao Vietcombank hỗ trợ nguồn vốn cho VNCB trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và quy định nội bộ của mỗi bên nhằm chi trả kịp thời tiền gửi hợp pháp của người gửi tiền.

Vietcombank cũng cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt để hỗ trợ và chia sẻ với VNCB các kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, phát triển hệ thống công nghệ thông tin của VNCB./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục