Trong phiên 14/3, Ngân hàng Nhà nước đã hút thêm gần 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống, nâng tổng số tín phiếu đang lưu hành lên 60.000 tỷ đồng. Tất cả những lô tín phiếu trên đều có lãi suất 1,4%/năm.
Tổng cộng có 11 thành viên tham gia đấu thầu, trong đó có 10 thành viên trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở mức 1,4%/năm, kỳ hạn 28 ngày và khối lượng 14.999,7 tỷ đồng.
Trong 3 phiên giao dịch trước đó, nhà điều hành cũng hút gần 45.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu với cùng kỳ hạn và lãi suất như trong phiên 14/3.
Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm
Phó Thống đốc cho biết đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng Hai đã chậm lại (-0,05%) so với tháng Một (-0,6%).
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh tín phiếu chủ yếu đến từ áp lực tỷ giá. Thông tin từ lãnh đạo ngành ngân hàng cũng cho rằng nguyên nhân chính là do thanh khoản ngắn hạn VND của hệ thống ngân hàng dư thừa, cần điều tiết qua việc phát hành tín phiếu để hỗ trợ tỷ giá.
Điều này có thể làm cho lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có thể đi lên, rút ngắn chênh lệch với lãi suất USD, góp phần hạ nhiệt tỷ giá USD/VND. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 0,76%/năm trong phiên 11/3 lên 1,47%/năm trong phiên 12/3; lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 1,29% lên 1,67%/năm.
Tuy nhiên, giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, trong lần can thiệp này, động lực làm tăng tỷ giá chủ yếu đến từ các yếu tố trong nước như nhu cầu USD tăng cao do nhập khẩu phục hồi, hiện tượng giá vàng và Bitcoin phá đỉnh thúc đẩy nhu cầu USD tự do tăng cao. Đặc biệt, giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế khó loại trừ vàng lậu vào thị trường là nguyên nhân đẩy tỷ giá tự do tăng, tác động lên tỷ giá trong ngân hàng./.