Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho chủ phương tiện dùng bản sao đăng ký xe

Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Toyota)

Nhằm xử lý những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thế chấp tài sản đảm bảo là phương tiện giao thông, đồng thời tạo điều kiện cho cho người dân và các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động vay và đi vay thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của bên nhận thế chấp, ngày 12/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp và Bộ Công an kiến nghị các giải pháp để xử lý vấn đề này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp phản ánh về việc cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính khi sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng nhận thế chấp khi tham gia giao thông.

Thực tiễn thực hiện quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) về bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với bên nhận thế chấp. Điều này có thể dẫn tới các tổ chức tín dụng phải ngừng cho vay có thế chấp bằng phương tiện giao thông vận tải. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ không còn có cơ hội để vay vốn; bị giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

[Xử phạt xe không giấy tờ gốc: Chủ xe và ngân hàng như "ngồi trên lửa"]

Bên cạnh đó, Bộ Luật dân sự 2015 có quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Do đó, việc quy định bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, đồng thời vẫn giữ tài sản thế chấp như quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) đã không còn phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và dẫn tới những khó khăn, vướng mắc như đã nảy sinh trong thời gian qua.

Trên cơ sở quy định của Bộ Luật dân sự 2015 và để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động vay và đi vay thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của bên nhận thế chấp, ngày 12/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp (Văn bản số 5487/NHNN-PC) đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Công văn nêu rõ: "Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định /2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an (văn bản số 5486/NHNN-PC) chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thông phương tiện giao thông."

Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là động thái tích cực của Ngân hàng Nhà nước nhằm tháo nút thắt ngân hàng giữ giấy đăng ký xe trả góp.

Trên thực tế, các ngân hàng đang lo ngại nếu không giữ giấy tờ gốc của bên thế chấp bằng các thoả thuận dân sự thì các ngân hàng sẽ không dám cho vay mua ôtô, do lo ngại có thể phát sinh nợ xấu khó kiểm soát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục