Ngày 19/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút 10.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, thấp hơn các phiên trước 5.000 tỷ đồng. Tổng cộng có 10/12 thành viên tham gia đấu thầu. So với phiên 18/3, lãi suất trúng thầu đã giảm 0,05 điểm % ở mức 1,35%/năm.
Như vậy, tính từ phiên khởi động lại kênh tín phiếu (11/3) đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hút tổng cộng 100.000 tỷ đồng thanh khoản khỏi hệ thống, trong khi không có động thái bơm thêm.
Xuất hiện ngân hàng ngược dòng tăng lãi suất huy động dù xu hướng vẫn giảm
Mặc dù có ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn dài nhưng các chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền thông qua kênh tín phiếu chủ yếu do áp lực tỷ giá. Động thái này sẽ giúp ổn định tỷ giá và không có nhiều tác động tới thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, tỷ giá ổn định còn có tác dụng tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty vay tiền bằng đồng USD. Lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng nhích lên sau động thái của nhà điều hành.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng ngày 19/3 giảm 2 đồng so với hôm qua, xuống 23.992 đồng, còn các ngân hàng lại tăng giá mua USD. Giá USD tại Vietcombank tăng 20 đồng ở chiều mua vào, lên 24.540 đồng và giữ nguyên giá bán 24.890 đồng; tại Eximbank giảm 10 đồng, đưa giá mua xuống 24.480 đồng, bán ra là 24.870 đồng./.