Mô hình hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dù hoạt động chưa lâu nhưng đã phát huy hiệu quả góp phần đáp ứng nhu cầu truyền máu trong trường hợp khẩn cấp.
Việc tạo nguồn máu ở những địa bàn này không dễ như ở các vùng đô thị, nhu cầu cần máu cũng không nhiều bằng nhưng khi đã cần là rất cấp thiết, bởi nếu không có máu truyền bệnh nhân gần như mang “án tử.”
Có mặt hiến máu chỉ sau 7 phút huy động
Tham gia Câu lạc bộ hiến máu dự bị huyện đảo Phú Quốc được khoảng 3-4 năm nay, ngay từ ngày đầu thành lập, anh Võ Phong Hầu, giáo viên Trường Trung học Cơ sở thị trấn Dương Đông 1, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã có 10 lần hiến máu tình nguyện, trong đó có 4 lần hiến máu khẩn cấp.
Trong số những lần hiến máu khẩn cấp, anh Hầu nhớ nhất lần hiến máu cho một cụ bà hơn 60 tuổi, nhập viện trong tình trạng rất mệt, choáng váng, khó thở, huyết sắc tố giảm, có tiền sử xuất huyết tiêu hóa, xơ gan...
Bệnh nhân đã được truyền 4 đơn vị khối hồng cầu. Tuy nhiên, việc cung cấp khối hồng cầu từ đất liền không đáp ứng được so với nhu cầu sử dụng tại đảo, do đó cần phải truyền máu toàn phần thay thế.
Sau khi nhận được điện thoại huy động hiến máu khẩn cấp của bệnh viện, anh Hầu đã có mặt hiến máu chỉ sau 7 phút.
Anh Hầu kể thêm trong lúc nằm nghỉ sau hiến máu, có một người đàn ông tầm 30-40 tuổi cầm một ly trà đường vào đưa cho anh.
Đôi mắt rưng rưng đỏ hoe, người đàn ông giới thiệu là con trai của bà cụ vừa được anh cho máu. Người đàn ông ấy bắt tay anh thật chặt và cảm ơn làm anh vô cùng xúc động.
[Infographics] Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp
Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất anh được biết người mình cho máu và nhận được lời cảm ơn của họ.
Sau khi về nhà, anh cũng gọi hỏi thăm tình hình của bà cụ, được thông báo bà đã qua khỏi cơn nguy kịch do được truyền máu kịp thời.
“Nghe được thông tin ấy, tôi mừng lắm vì thấy mình đã làm được một việc hết sức có ý nghĩa,” anh Hầu chia sẻ.
Câu lạc bộ hiến máu dự bị anh Hầu tham gia có khoảng 30-40 thành viên. Anh Hầu cho biết, tất cả đều sẵn sàng thu xếp công việc để đến cho máu bất cứ khi nào bệnh viện cần.
Việc hiến máu có thể là một việc làm hết sức bình thường nhưng chỉ khi trong những hoàn cảnh nguy cấp người ta mới thấy việc làm này có ý nghĩa lớn như thế nào. Do vậy, mỗi lần bệnh viện cần và gọi là anh sẽ đến ngay.
Luôn tâm niệm “trong cuộc sống nếu mình làm việc thiện sẽ có những việc thiện khác đến với gia đình mình,” anh Hầu nhắn nhủ, những người có đủ sức khỏe đừng e ngại tham gia hiến máu.
Hiến máu không hề ảnh hưởng tới sức khỏe, khoa học cũng chỉ ra rằng, hiến máu còn giúp tái tạo lượng máu trong cơ thể, rất tốt cho sức khỏe.
Thực tế, nhiều người lớn tuổi đã đi hiến máu và hiến máu tận 60 đến 70 lần mà không hề có vấn đề gì. Họ chỉ nghĩ rằng giọt máu của mình sẽ giúp đỡ được cho những trường hợp bất hạnh, góp phần cứu giúp những người bệnh cần máu.
Vận động nhiều người tham gia hiến máu
Trong 4 lần hiến máu khẩn cấp trong đêm, lần hiến máu đáng nhớ nhất đối với anh Hoàng Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng là lần hiến máu cứu bệnh nhân bị tai nạn xe máy, được chẩn đoán đa chấn thương, đặc biệt là vùng hàm mặt, vỡ gan, nhóm máu O, tiên lượng rất nặng.
[Y tế Bạch Long Vĩ cứu sống bệnh nhân chửa ngoài tử cung bị vỡ]
Bệnh viện đã tiến hành mổ cấp cứu cầm máu, đồng thời xin hỗ trợ về nhân lực và máu từ đất liền ra đảo.
Lúc này, kho máu của bệnh viện chỉ còn 3 đơn vị khối hồng cầu nhóm O, bệnh nhân lại cần truyền máu số lượng lớn.
Bệnh viện đã gọi tới lực lượng hiến máu dự bị, anh Thủy là người được gọi tới và có mặt đầu tiên.
Trong ca hiến máu này, ngoài anh Thủy còn có 9 người hiến máu khác. Đây cũng là lần đầu anh thấy các bác sỹ làm việc liên tục, không ngừng để lấy máu truyền cho bệnh nhân.
May mắn là chỉ sau vài giờ đồng hồ, nguồn máu từ đất liền đã được đưa ra đảo, kịp thời cứu sống người bệnh.
Trong buổi hiến máu hôm ấy, anh Thủy không chỉ tham gia hiến máu mà còn cùng các đơn vị của huyện túc trực, tiếp tục huy động người hiến máu và theo dõi tình hình của bệnh nhân.
Anh Hoàng Xuân Thủy là một trong những người đầu tiên tham gia công tác hiến máu tình nguyện tại địa phương. Không chỉ tình nguyện hiến máu, anh còn tuyên truyền, vận động, tập hợp được hàng trăm người tham gia hiến máu tình nguyện.
Đến nay, sau 7 năm, kể từ khi Câu lạc bộ hiến máu của thị trấn Cát Bà được thành lập, người dân huyện đảo này đã không còn nỗi sợ thiếu máu đột xuất bởi đội quân hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển về số lượng.
Lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ luôn sẵn sàng tham gia hiến máu bất kể đêm hôm hay mưa bão.
Đánh giá về hoạt động của câu lạc bộ hiến máu dự bị, anh Thủy cho hay, đây là mô hình rất thiết thực với những huyện đảo cách xa đất liền như Cát Hải.
Trong những tình huống cần truyền máu khẩn cấp, để chờ máu từ đất liền ra là không thể. Do đó, nguồn máu dự trữ từ lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ đã góp phần sơ cứu ban đầu hiệu quả; giúp cứu chữa, điều trị kịp thời cho người bệnh.
Việc quản lý “ngân hàng máu sống” được thực hiện một cách chặt chẽ bằng cách giao danh sách cho ủy ban nhân dân huyện, cơ sở y tế huyện, trạm xá xã…
Hằng năm, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đều tới tận các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để tổ chức gặp mặt, xét nghiệm sàng lọc định kỳ các bệnh lây truyền qua đường máu cho người hiến máu dự bị nhằm đảm bảo an toàn truyền máu trong các trường hợp khẩn cấp.
Việc làm này còn có ý nghĩa về mặt khoa học, là biện pháp để gắn kết, duy trì và đánh giá ý thức của những người đăng ký hiến máu dự bị.
Nước ta có hơn 3.000 hòn đảo, để trang bị tủ lạnh và các điều kiện cần thiết cho trữ máu cần một nguồn chi phí rất lớn, hơn nữa việc chuyển máu từ đất liền ra đảo cũng không hề đơn giản.
Do vậy, việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ chính là phương án tối ưu nhất giúp đáp ứng nhu cầu truyền máu trong những trường hợp khẩn cấp tại các địa bàn này.
Lực lượng hiến máu dự bị được coi như “ngân hàng máu sống” giúp “bảo quản” máu một cách hoàn hảo nhất với chi phí rẻ và có thể cung cấp bất cứ khi nào cần./.