Ngân hàng Indonesia đề nghị giảm tăng trưởng kinh tế

BI kiến nghị chính phủ nước này tiếp tục điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 xuống dưới ngưỡng 6% để tránh các rủi ro.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã kiến nghị chính phủ nước này tiếp tục điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 xuống dưới ngưỡng 6% để tránh các rủi ro do lạm phát tăng cao, sự suy yếu của đồng nội tệ và cán cân thanh toán thâm hụt liên tục.

Khi công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 6% lên 6,5% hôm 11/7 vừa qua, Thống đốc BI Agus Martowardojo đã nhấn mạnh rằng các biện pháp thắt chặt tiền tệ là cần thiết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không chắc chắn và để kiểm soát lạm phát dự kiến có thể lên tới 7,4 đến 8,0% vào cuối năm nay, qua đó đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững.

Ông Martowardojo cũng bày tỏ quan ngại khi trong quý 1 năm nay cán cân thanh toán (BOP) của Indonesia đã thâm hụt mức kỷ lục 6,6 tỷ USD và tài khoản vãng lai thâm hụt 5,27 tỷ USD, tương đương 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Theo Giám đốc điều hành chính sách tiền tệ của BI, ông Dody Budi Waluyo, trong giai đoạn 2008-2012, tăng trưởng kinh tế của Indonesia lần lượt là 6%, 4,6%, 6,2%, 6,5%, 6,23%, với tỷ lệ lạm phát tương ứng 11,06%, 2,78%, 6,96%, 3,79%, 4,30% và BI đã điều chỉnh lãi suất dao động trong biên độ 5,75% đến 9,25% tùy thuộc vào tỷ lệ lạm phát. Như vậy, hiện BI đã điều chỉnh lãi suất lên 6,5%, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cần điều chỉnh, từ mức 6,3% xuống khoảng 5,8-6,2%, trong đó mục tiêu dưới 6% là hợp lý nhất.

Người phát ngôn của BI, Difi Johansyah cho rằng trong tình hình kinh tế hiện nay, mức tăng trưởng trên 5,5% là vẫn “khá ổn” đối với Indonesia và tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn sẽ làm tăng trưởng tín dụng chậm lại, mang lại sự cân bằng thanh toán lành mạnh.

Trong khi đó, đồng rupiah của Indonesia tiếp tục đà suy giảm và ngày 15/7 đã xuống dưới 10.000 rupiah/USD - lần đầu tiên kể từ tháng 9/2009, do các mối lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ kìm hãm nhu cầu nhập khẩu từ đối tác thương mại quan trọng này của đất nước “vạn đảo."

Số liệu thống kê chính thức của Chính phủ Indonesia cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng Năm vừa qua đã giảm tháng thứ 14 liên tiếp, dẫn đến thâm hụt thương mại 590 triệu USD.

Ông Leo Rinaldy - nhà kinh tế hàng đầu thuộc Công ty chứng khoán nhà nước PT Mandiri Sekuritas của Indonesia cho rằng kinh tế Trung Quốc - hiện chiếm tới 11% xuất khẩu phi dầu mỏ của Indonesia - tăng trưởng chậm lại sẽ tiếp tục gây áp lực lên xuất khẩu của Indonesia. Do đó, việc Ngân hàng trung ương Indonesia mới đây tăng lãi suất từ 6% lên 6,5% chỉ đủ để ngăn chặn lạm phát, nhưng không đủ trấn an thị trường về áp lực lên đồng nội tệ từ sự mất cân bằng bên ngoài.

Liên quan đến tình hình kinh tế Indonesia, giá một số mặt hàng thực phẩm tại nước này đã tăng gấp đôi kể từ ngày 9/7 vừa qua - ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, trong đó tăng mạnh nhất là thịt bò, thịt gà và ớt. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã lên tiếng phê phán một số bộ trưởng về tình trạng này, nhất là Bộ trưởng Nông nghiệp Suswono, Bộ trưởng Thương mại Gita Wirjawan và Chủ nhiệm Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) Sutarto Alimoeso.

Tổng thống Yudhoyono đã yêu cầu các bộ ngành liên quan giám sát chặt chẽ biến động giá thực phẩm trên thị trường và nhanh chóng đưa ra các biện pháp khắc phục, trong đó có việc cải thiện nhập khẩu và khâu phân phối lưu thông, đồng thời ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, thao túng thị trường của các doanh nghiệp và tầng lớp thương nhân trung gian./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục