Ngày 18/3, Ngân hàng Trung ương Iceland thông báo cắt giảm lãi suất chủ chốt lần thứ hai trong vòng một tuần xuống còn 1,75%, đồng thời tung nguồn "vốn bắt buộc khẩn cấp" của các ngân hàng nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ do sự lây lan của dịch COVID-19 và những tác động của nó đối với nền kinh tế.
Quyết định giảm lãi suất tiền gửi được đưa ra sau 2 lần giảm trong năm nay và 5 lần giảm trong năm ngoái trong bối cảnh ngành du lịch Iceland gặp khó khăn và mùa đánh bắt cá thất bát.
Trong tuyên bố ra cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Iceland khẳng định kinh tế trong nước và hệ thống tài chính đã sẵn sàng để đối mặt với những cú sốc lớn và sẵn sàng sử dụng mọi công cụ tài chính có sẵn để làm giảm tác động bất lợi đối với kinh tế.
Pháp và Hy Lạp cấm bán khống trên thị trường chứng khoán
Trong một động thái khác nhằm giảm tác động của dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng tới các thị trường toàn cầu, các nhà quản lý Pháp thông báo cấm tình trạng "bán khống" trên thị trường chứng khoán Paris trong vòng một tháng, đồng thời kéo dài thời gian ngừng một ngày theo đề xuất ban đầu.
Trong thông báo cuối ngày 17/3, Cơ quan Quản lý chứng khoán Pháp (AMF) đã quyết định cấm bán khống đối với 92 loại cổ phiếu hàng đầu trong một ngày (17/3), song quyết định này sau đó được kéo dài trong vòng 1 tháng đến 16/4 tới.
Bán khống là hoạt động kiếm lời từ thị trường tài chính thông qua việc giá chứng khoán giảm. Thay vì "mua đáy bán đỉnh," các nhà giao dịch sẽ "bán đỉnh mua đáy" và kiếm lời dựa trên sự thay đổi giá của tài sản.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ thị trường tài chính "bốc hơi," ngày 18/3, Hy Lạp cũng đưa ra quyết định tương tự.
Quyết định trên sẽ được áp dụng từ ngày 18/3 đến ngày 24/4 sau khi nhiều cổ phiếu của Hy Lạp mất gần 50% giá trị do tác động của dịch COVID-19.
Các tập đoàn công nghiệp lớn ứng phó với dịch
Trong bối cảnh sự lây lan của dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các công ty trên toàn cầu đang cố gắng tìm cách thích nghi và đưa ra các biện pháp ứng phó với tác động của dịch bệnh.
[Dịch COVID-19: Nhiều quốc gia công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế]
Một số “đại gia” công nghiệp, đặc biệt là trong ngành sản xuất ôtô, đã chuyển hướng sang cắt giảm hoặc thậm chí tạm ngừng sản xuất.
Nissan, nhà sản xuất ôtô lớn của Nhật Bản, đã phải tạm dừng hoạt động của nhà máy Sunderland đặt tại miền Bắc nước Anh. Đây là nhà máy lớn nhất của Nissan tại châu Âu với lực lượng lao động vào khoảng 7.000 công nhân.
Tương tự, các nhà sản xuất ôtô gồm Peugeot-Citroen (Pháp), Renault (Pháp), Fiat Chrysler - liên doanh giữa Mỹ và Italy, Ford (Mỹ), Volkswagen (Đức) cũng phải đưa ra quyết định tạm ngừng sản xuất như Nissan.
“Đại gia” ngành lốp xe Michelin cũng phải tạm dừng sản xuất tại các nhà máy ở Tây Ban Nha, Pháp và Italy trong ít nhất một tuần.
Ngay cả ngành công nghiệp hàng xa xỉ cũng có những động thái tương tự. Gucci, nhãn hiệu thuộc tập đoàn Kering, sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng của họ cho đến ngày 20/3 tới. Trong khi đó, quyết định đóng cửa của Hermes kéo dài tới cuối tháng này.
Một loạt các nhà bán lẻ và công ty Mỹ đã đóng cửa một số hoặc tất cả các cửa hàng của họ. Trong số này bao gồm những cái tên lớn như Apple, Nike, Macy's, Crate & Barrel và Gap.
Tình hình càng đặc biệt nghiêm trọng hơn đối với ngành du lịch, với chuỗi khách sạn đình đám Marriott phải đóng cửa một số nơi và khiến hàng chục ngàn nhân công bị sa thải.
Trong khi đó, các hãng hàng không đang phải hứng chịu ảnh hưởng từ “cú sốc kép”: nhu cầu giảm mạnh và các lệnh hạn chế đi lại do nhiều chính phủ áp đặt.
Giữa bối cảnh khó khăn, nhiều công ty đã buộc phải giảm giờ làm, thậm chí buộc thôi việc tạm thời với các nhân viên, cũng như tìm cách hạ mục tiêu.
Hãng hàng không Air France-KLM cho biết sẽ cắt giảm 350 triệu euro đầu tư theo kế hoạch cho năm 2020 và tiết kiệm 200 triệu euro từ những khoản khác để đảm bảo có đủ tiền mặt./.