Ngân hàng HSBC muốn chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi xanh với Việt Nam

Ngân hàng HSBC cam kết thu xếp nguồn vốn quy mô quốc tế trị giá khoảng 12 tỷ USD cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 tại Việt Nam.
Ngân hàng HSBC muốn chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi xanh với Việt Nam ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Surendra Rosha, đồng Tổng Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng HSBC. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 15/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Surendra Rosha, đồng Tổng Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ ấn tượng trước cam kết của lãnh đạo HSBC về việc huy động nguồn lực tài chính, thu xếp nguồn vốn quy mô quốc tế trị giá khoảng 12 tỷ USD cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn quan tâm đến chính sách tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của Ngân hàng HBSC. Chính phủ Việt Nam đã cam kết và triển khai nhiều công việc cụ thể trong lộ trình giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Chính phủ Việt Nam và nhóm các đối tác quốc tế (viết tắt là IPG) đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP).

Tuyên bố chính trị tiếp tục thể hiện tinh thần hợp tác giữa Việt Nam với và các quốc gia đối tác phát triển do Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 đứng đầu nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch.

[HSBC hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng '0']

IPG sẽ huy động số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới, từ nguồn vốn của các Chính phủ để thúc đẩy, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư từ ngân hàng, doanh nghiệp vào lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng. Ngân hàng HSBC có thể tham gia vào sắp xếp các cấu trúc nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả các dự án này.

Đánh giá cao chiến lược tiên phong của Ngân hàng HSBC trong thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, Phó Thủ tướng mong muốn ngân hàng này trở thành "bộ lọc tín dụng," tích cực tham gia các dự án đầu tư khu công nghiệp xanh, nhà máy không phát thải; giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp; trồng, khai thác, bảo tồn rừng bền vững.

Phó Thủ tướng mong muốn ngân hàng HSBC tích cực tham gia các dự án sản xuất pin, xe điện, năng lượng tái tạo, chuyển đổi các dự án đầu tư nhiệt điện than sang hướng thân thiện hơn với môi trường; hình thành trục truyền tải năng lượng tái tạo trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương...

Phó Thủ tướng cũng trao đổi với lãnh đạo HSBC về những lĩnh vực cần tập trung, ưu tiên trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; các thể chế, chính sách để các ngân hàng, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có HSBC, yên tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng làm rõ những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để Việt Nam tiếp cận, phát triển hài hòa kinh tế xanh, năng lượng xanh, hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo... trong thời gian tới.

Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Surendra Rosha cho biết trong năm 2023, Ngân hàng HSBC tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong lộ trình giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Ngân hàng HSBC đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thảo luận các bước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động theo hướng xanh hơn; thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Đại diện Ngân hàng HSBC mong muốn chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi, trong đó có chuyển đổi xanh mà ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục