Ngân hàng hạn chế cho vay, tăng lãi suất

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vẫn đang tăng lãi suất để huy động thêm vốn, trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 7% khiến lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã gần chạm tới trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định (10,5%).

Mặc dù tăng cường huy động vốn, nhưng các ngân hàng thương mại cổ phần lại hạn chế cho vay dù người đi vay có tài sản thế chấp.


Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vẫn đang tăng lãi suất để huy động thêm vốn, trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 7% khiến lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã gần chạm tới trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định (10,5%)...

Tích cực tăng huy động vốn


Hiện nay, để huy động thêm vốn, không chỉ các ngân hàng cổ phần nhỏ mà các ngân hàng cổ phần lớn cũng đang tích cực tăng lãi suất. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian vừa qua, vẫn có khá nhiều Ngân hàng Nhà nước và thương mại cổ phần điều chỉnh tăng thêm đến 0,3%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất huy động VND của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thuộc nhóm Ngân hàng thương mại Nhà nước đã điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn trên 12 tháng với mức tăng từ 0,1-0,2%/năm; nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh tăng với mức từ 0,1-0,3%/năm.

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất của các ngân hàng lớn ngoài mục đích huy động thêm vốn còn là để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán... và cũng đề phòng vốn sẽ “chạy” sang ngân hàng khác.

“Một số ngân hàng nhỏ đang thiếu vốn nên họ phải nâng lãi suất là điều tất yếu”, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết. Theo ông Toại, nhiều nhà băng chấp nhận huy động cao và lỗ để đảm bảo khả năng thanh khoản.

Tuy nhiên, theo ông Toại, chuyện thiếu vốn chỉ rơi vào một số ngân hàng nhỏ, không có khả năng tiếp cận vốn của Ngân hàng Nhà nước thông qua hình thức chiết khấu tín phiếu hay tiếp cận các nghiệp vụ thị trường mở. Còn các ngân hàng khác tuy không bị thiếu thanh khoản nhưng cũng tăng lãi suất huy động là để ngang bằng với mặt bằng lãi suất chung.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, chạy đua lãi suất sẽ làm cho chi phí đội lên nhiều. Trong thời điểm hiện nay, các ngân hàng không nên chạy đua lãi suất vì lạm phát vẫn ở mức kiểm soát được. Lãi suất huy động đang thực dương.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia: “Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản là 7% (lãi suất huy động, cho vay tối đa là 10,5%) ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là huy động vốn. Tuy nhiên, đây là chủ trương chung của Nhà nước nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu vào rẻ”.

Không mặn mà cho vay

Mặc dù tăng cường huy động vốn, nhưng các ngân hàng thương mại cổ phần lại hạn chế cho vay dù người đi vay có tài sản thế chấp.

Trong khi đó, nhu cầu vay vốn để đầu tư đang có chiều hướng gia tăng, nhất là khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “ấm” lên và thị trường chứng khoán thì đang có tính thanh khoản cao. Nhiều nhà đầu tư  có nhu cầu thế chấp tài sản đang có để mở rộng đầu tư, nhưng họ vấp phải khó khăn không nhỏ từ phía các ngân hàng.

Chị Phạm Thu Hà (phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) tìm đến một ngân hàng cổ phần trên phố Kim Liên mới (Hà Nội) với mục đích vay 500 triệu đồng để đầu tư bất động sản. Chị có tài sản thế chấp là căn nhà trị giá gần 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi tới đây, chị đã ngỡ ngàng khi biết rằng, ngân hàng này đang có chủ trương siết chặt tín dụng nên không cho vay. Theo nhân viên của ngân hàng này, không chỉ ngân hàng của họ mà nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng đang có chủ trương tương tự. Khách muốn vay tiền phải tìm đến các ngân hàng thương mại lớn.

“Ngân hàng đang đẩy mạnh huy động thêm vốn, nếu chị có người thân tới gửi tiền sẽ được hưởng lãi suất cao kèm thêm nhiều phần quà hấp dẫn”, nhân viên ngân hàng này cho biết thêm.

Theo một số ngân hàng, họ tăng lãi suất huy động để tranh thu hút thêm nguồn vốn rẻ, chờ đón nhu cầu vay lớn trong các tháng cuối năm. Một số ngân hàng tăng lãi suất huy động còn để tăng tổng tài sản.

Còn lý do các ngân hàng không mặn mà cho vay bởi lẽ, khi vốn huy động cao, đã gần kịch trần với mức qui định cho vay của Ngân hàng Nhà nước (10,5%) nên các ngân hàng hướng tới các kênh đầu tư khác để đảm bảo lợi nhuận đồng thời tránh rủi ro./.



Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp để giữ ổn định thị trường ngoại tệ. Nhờ đó, từ cuối tháng 7/2009 đến nay, các ngân hàng thương mại đã mua được ngoại tệ từ khách hàng và đang dần tự cân đối được nguồn cung-cầu ngoại tệ.

Nguồn cung ngoại tệ được cải thiện đáng kể do dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Điểm đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt đến 28%, ở mức khá cao, có thể gây sức ép lạm phát trong những tháng cuối năm 2009.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục