Ngân hàng ECB tăng mức dự báo tăng trưởng Khu vực đồng euro

Ngày 5/3, ECB đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng 1,5% cho năm 2015, 1,9% cho năm 2016 và 2,1% cho năm 2017 đối với 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Ngân hàng ECB tăng mức dự báo tăng trưởng Khu vực đồng euro ảnh 1Quang cảnh bên ngoài trụ sở của ECB tại thành phố Frankfurt am Main, miền trung Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo Les Echos đưa tin ngày 5/3 Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng 1,5% cho năm 2015, 1,9% cho năm 2016 và 2,1% cho năm 2017 đối với 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Mức dự báo này đã được điều chỉnh tăng lên so với mức dự báo đưa ra hồi cuối tháng 12 năm ngoái.

Theo Chủ tịch Mario Draghi, các dự báo tăng trưởng kinh tế được điều chỉnh tăng lên cho thấy ảnh hưởng tích cực của việc giá dầu giảm, tỷ giá chuyển đổi đồng euro yếu cũng như tác động của các biện pháp và chính sách tiền tệ của ECB.

ECB cũng cho rằng chỉ số giá tiêu dùng sẽ không đổi trong năm 2015 trong khi dự báo đưa ra vào tháng 12/2014 cho thấy mức lạm phát sẽ vào khoảng 0,7%.

Lạm phát sẽ bắt đầu tăng vào năm 2016, đạt 1,5% so với mức 1,3% đưa ra trước đó. Lạm phát sẽ lên đến 1,8% vào năm 2017. Đây cũng là mục tiêu do ECB đề ra, có nghĩa là lạm phát ở mức thấp hơn 2%.

Cũng trong ngày 5/3, Chủ tịch Mario Draghi thông báo rằng bắt đầu từ ngày 9/3, ECB sẽ triển khai gói nới lỏng định lượng (QE) bằng việc mua lại trên thị trường thứ cấp trái phiếu của cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân.

Gói kích thích kinh tế khổng lồ 1.140 tỷ euro này đã được ECB công bố ngày 22/1 vừa qua, nhằm kích cầu thị trường và cứu Khu vực đồng tiền chung châu Âu thoát khỏi suy thoái.

Cụ thể, ECB sẽ bơm 60 tỷ euro/tháng vào các nền kinh tế của cả khu vực từ nay cho đến ít nhất là tháng 9/2016 với mục tiêu là tăng lượng tiền mặt trong hệ thống tài chính để khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay thêm tiền, tăng mua sắm, đầu tư.

Thống kê thời gian qua cho thấy nền kinh tế Khu vực đồng euro luôn trong tình trạng giảm phát, tỷ lệ lạm phát đã rớt xuống mức âm 0,2 trong tháng 12/2014, bất chấp những nỗ lực cắt giảm tỷ lệ lãi suất và thu mua các khoản nợ và các tài sản thế chấp trong lĩnh vực tư nhân của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Việc triển khai Gói nới lỏng định lượng dựa trên cơ sở rằng việc bơm dòng tiền vào thị trường sẽ giúp duy trì lãi suất cho vay thấp qua đó kích cầu nền kinh tế.

Tuy nhiên, đối với nhiều chuyên gia, bản chất của việc này là in thêm tiền nhằm cứu các nền kinh tế khỏi gánh nặng nợ công.

Quyết định triển khai gói nới lỏng định lượng của ECB đã đẩy đồng euro rớt giá xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 11 năm qua. Trong ngày 5/3, 1 euro chỉ còn đổi được 1,1034 USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục