Hiệp hội các ngân hàng Đức (BdB) ngày 11/9 cảnh báo "cuộc ly hôn" không êm thấm giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, có thể gây hỗn loạn tại các thị trường tài chính châu Âu.
Trả lời phỏng vấn hãng truyền thông RND, Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Đức (BdB), Andreas Krautscheid nhận định "sẽ xảy ra cơn địa chấn tại các thị trường vốn châu Âu, không chỉ tại London mà cả ở Frankfurt, Paris và Amsterdam nếu Anh rời khỏi EU vào tháng 3/2019 mà không đạt được thỏa thuận."
Người đứng đầu BdB nhấn mạnh hầu hết các ngân hàng thành viên của BdB đều có hoạt động liên quan đến Brexit, do đó, tâm lý quan ngại đang bao trùm toàn bộ các ngân hàng này khi Anh và EU vẫn chưa đạt được một thỏa thuận Brexit trong khi quỹ thời gian đang dần thu hẹp.
[Cựu Đại sứ Anh tại EU cảnh báo khủng hoảng Brexit cao hơn dự đoán]
Cơ chế hợp tác thay đổi giữa các ngân hàng trong EU với một nước không phải là thành viên chắc chắn tác động tiêu cực đối với mối liên kết hiện hữu giữa Anh và hệ thông ngân hàng châu Âu.
Chủ tịch Krautscheid cho biết ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày Anh và Liên minh châu Âu hoàn tất một lượng lớn các giao dịch tài chính phức tạp cùng với đó hàng triệu dữ liệu có liên quan cũng được chuyển từ London sang các nước lục địa.
Theo ông, toàn bộ các giao dịch trên sẽ bị trễ một hoặc nhiều ngày khi Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận Brexit hay thỏa thuận chuyển tiếp hậu Brexit theo Quy tắc bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU quy định không cho phép trao đổi thông tin dữ liệu với các nước thứ 3.
Trước đó không lâu, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã đưa ra cảnh báo tương tự trước đại diện các ngân hàng Đức nhóm họp tại Frankfurt.
Ông lo ngại một Brexit hỗn độn có thể làm bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính mới tại châu Âu.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Đức khẳng định khó có thể khẳng định được việc có thể đạt được EU và Anh đạt được thỏa thuận trước thời điểm Brexit. Ông khuyến cáo lãnh đạo các doanh nghiệp Đức cần có chuẩn bị kế hoạch ứng phó cần thiết.
Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gây nhiều chú ý khi tuyên bố Brexit mở ra cơ hội lợi thế cạnh tranh mà các ngân hàng của nước này tận dụng. Bà Merkel khẳng định Chính phủ Đức sẽ điều chỉnh luật lao động để khuyến khích các thể chế tài chính thu hút nguồn nhân lực từ London.
Frankfurt và Paris đang cạnh tranh để trở thành trung tâm của mảng dịch vụ tài chính dịch chuyển từ Anh sang các nước EU do Brexit.
Theo ước tính của "TheCityUK", một công ty dịch vụ tài chính Anh, nếu Anh rời khỏi khối thị trường chung châu Âu, nước này có thể mất 70.000 lao động riêng trong lĩnh vực tài chính./.