Ngân hàng đẩy lãi suất huy động để tăng tốc tín dụng cuối năm

Xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng vào dịp cuối năm chủ yếu do yếu tố mùa vụ, đây là thời điểm các doanh nghiệp thường tăng tốc đầu tư vào sản xuất kinh doanh để phục vụ nhu cầu dịp Tết.
Ngân hàng đẩy lãi suất huy động để tăng tốc tín dụng cuối năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Một số ngân hàng vừa nâng lãi suất huy động tăng lên từ 0,1-0,5 điểm phần trăm so với mức cũ, trong đó đặc biệt chú ý có cả ngân hàng thương mại nhà nước. Đây là động thái được cho là nhằm bứt phá tăng tốc tín dụng dịp cuối năm.

Các "ông lớn": nơi tăng nơi giảm

Hai ngân hàng BIDV và VietinBank đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới với xu hướng tăng 0,1-0,5 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, ở các kỳ hạn ngắn 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng, 9 tháng, BIDV điều chỉnh tăng 0,5 điểm phần trăm. Qua đó, nâng mức lãi suất các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng, 9 tháng lên tương ứng lần lượt ở mức 4,8%/năm, 4,8%/năm, 5,8%/năm và 6,0%/năm.

Với kỳ hạn 3 tháng, BIDV tăng 0,4 điểm phần trăm lên mức 5,2%/năm. Ngược lại, BIDV giảm 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn 12 tháng xuống mức 6,8%/năm. Trong khi, lãi suất kỳ hạn 24 tháng không đổi, tiếp tục ở mức 6,9 %/năm.

Tại VietinBank, ở các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng, VietinBank vẫn giữ nguyên lãi suất với mức từ 4,8-5,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 đến 9 tháng được tăng lên mức 5,8-6,0%/năm thay vì 5,5- 5,7%/năm như trước. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng thêm 0,3 điểm phần trăm từ 6,5% lên 6,8%/năm.

Nhiều người thắc mắc tại sao BIDV và VietinBank đồng loạt tăng lãi suất huy động tiền gửi ở thời điểm này. Được biết, năm 2017, ngân hàng BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng huy động tiền gửi trên thị trường một là 16,5%; tăng trưởng tín dụng 16%, cùng với chỉ tiêu này thì ở Vietinbank 15% và 16%.

[Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tăng trưởng tín dụng có thể đạt trên 20%]

Trong khi đó, tính đến hết quý 3, dư nợ tín dụng của VietinBank đã tăng 14,4%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng (tăng 12,16%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng này lại đi nhanh hơn tăng trưởng huy động (tăng 12,2%).

Còn tại BIDV, tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt gần 1,080 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm cũng chỉ tương đương với tổng nguồn vốn huy động (đạt gần 1,054 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với đầu năm, trong đó tiền gửi khách hàng đạt 823.073 tỷ đồng).

Vì vậy, việc các ngân hàng tăng hút tiền gửi khu vực dân cư bằng lãi suất là điều dễ hiểu, nhằm đảm bảo nguồn vốn cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.

Ngược lại với hai ngân hàng trên, Vietcombank lại vừa có động thái giảm lãi suất huy động VND ở hầu hết các kỳ hạn ngắn.

Cụ thể, theo biểu niêm yết tại Sở Giao dịch Vietcombank, lãi suất huy động VND đã giảm ở các kỳ hạn từ 1-9 tháng, với mức giảm 0,1 điểm phần trăm; mức cao nhất ở kỳ hạn 9 tháng xuống còn 5,4%/năm và thấp nhất ở kỳ hạn 1 tháng còn 4,2%/năm. Ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, Vietcombank giữ nguyên mức 6,5%/năm.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, hiện Vietcombank được xem là ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và cũng ​là thấp nhất trên toàn hệ thống.

Cũng theo ông Thành, mặc dù lãi suất đầu vào thấp như vậy nhưng nguồn vốn vẫn chảy về nhiều, dù không mong muốn nhưng Vietcombank vẫn phải để kỳ hạn 1 năm lãi suất là 6,5%/năm do đây là cơ sở để tính lãi suất đầu ra.

"Trong mức tăng trưởng tín dụng 15,3% của 9 tháng thì bán lẻ tăng khoảng 38%, bán buôn tăng có 6% (năm ngoái bán lẻ cũng tăng trên 30%). Dự kiến năm nay bán lẻ phải tăng trên 40%. Đóng góp cho lợi nhuận chung từ mảng bán lẻ cũng rất cao, chiếm khoảng 51%," ông Thành chia sẻ.

Còn ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết, dòng vốn ngân hàng đang chảy vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ cao…

Ngoài hai ngân hàng lớn tăng lãi suất thì dịp này hàng loạt ngân hàng cổ phần khác cũng đã nâng lãi suất ở một số kỳ hạn trong biểu lãi suất mới.

Giữa tháng 11, PVcomBank tăng thêm 0,5 điểm phần trăm cho lãi suất 12 tháng, lên 7,6%/năm, còn lại vẫn được giữ nguyên so với biểu lãi suất vào đầu tháng Mười.

Sacombank cũng vừa nâng khá nhiều lãi suất kỳ hạn ngắn so với biểu lãi suất cũ. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm lên 5,3%/năm. Kỳ hạn 6, 7, 8 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 6,2%/năm. Kỳ hạn 9, 10, 11 tháng tăng mạnh thêm 0,4 điểm phần trăm lên 6,4%. Kỳ hạn 12 tháng tăng nhẹ từ 6,8% lên 6,9%/năm.

Tăng phải với đảm bảo chất lượng

Theo các chuyên gia, xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng vào dịp cuối năm chủ yếu do yếu tố mùa vụ. Đây là thời điểm các doanh nghiệp thường tăng tốc đầu tư vào sản xuất kinh doanh để phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng trong dịp tết. Đây cũng là thời điểm nhu cầu rút tiền mặt của các doanh nghiệp để chi trả lương, thưởng cuối năm nên các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.

Vì vậy, việc các ngân hàng tăng hút tiền gửi khu vực dân cư bằng lãi suất là điều dễ hiểu, nhằm đảm bảo nguồn vốn cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.

Tính đến hết tháng Mười, tổng mức tăng trưởng là 13,66% cao hơn khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2016, tức còn room gần 7% mới đạt chỉ tiêu đề ra. Như vậy, các ngân hàng đang phải chịu một sức ép lớn để “tăng tốc” trong 2 tháng cuối năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tốc độ này cũng không có gì đột biến và hiện nay quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và của Ngân hàng nhà nước đối với tín dụng là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng. Quan trọng nữa là tín dụng phải đưa vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Cũng theo Thống đốc, cơ cấu tín dụng trong 10 tháng đã tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp và chế biến, chế tạo, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giữ được mức tăng trưởng tín dụng ở mức cao so với các năm trước và cũng cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân. Đây là những lĩnh vực động lực cho tăng trưởng.

"Với điều hành của Chính phủ cũng như của Ngân hàng nhà nước chúng tôi cũng đảm bảo tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục tăng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và không gây những áp lực để bất ổn kinh tế vĩ mô, đặc biệt gây áp lực lên lạm phát. Quan trọng nhất là vẫn giám sát chặt chẽ chất lượng và hiệu quả tín dụng và đã đưa tín dụng đảm bảo vào đúng những lĩnh vực để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế," Thống đốc nhấn mạnh./.

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ về kết quả kinh doanh
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục