Ngày 13/7, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) công bố lập quỹ tín thác mới trị giá 400 triệu euro (khoảng 447 triệu USD) để hỗ trợ Ukraine tái thiết cơ sở hạ tầng và vực dậy hoạt động kinh tế của nước này.
Trong số 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), 16 nước cho biết sẽ đóng góp tài chính vào quỹ tín thác mới nói trên để hỗ trợ cung cấp các khoản cho vay và tài trợ cho Ukraine. Trong số đó, Pháp và Italy dẫn đầu - mỗi nước sẽ đóng góp 100 triệu euro cho quỹ này.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất EU là Đức không tham gia quỹ mới này của EIB.
[Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 cam kết hỗ trợ Ukraine]
Một nguồn tin ngoại giao cho biết Berlin chủ trương chi tiêu qua ngân sách trung tâm của EU có sự đóng góp của tất cả các nước thành viên.
Quỹ tín thác mới sẽ tài trợ cho các hoạt động khôi phục cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở Ukraine, cũng như cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các dịch vụ công của nước này.
Theo Phó Giám đốc EIB Teresa Czerwinska, năm 2022, EIB đã giải ngân 1,7 tỷ euro để hỗ trợ Ukraine xây mới và sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng như trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội, nhà trẻ và cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.
Bà Czerwinska cho biết ngân hàng sẽ bổ sung 100 triệu euro vào quỹ tín thác mới trên nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo Ukraine có thể sử dụng các khoản hỗ trợ tài chính một cách hiệu quả.
EU đang triển khai gói hỗ trợ tài chính trị giá 18 tỷ euro cho Ukraine trong năm 2023, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ 50 tỷ euro cho nước này trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2027.
Theo bà Czerwinska, trước khi khoản hỗ trợ tài chính mới trị giá 50 tỷ euro của EU được triển khai, quỹ tín thác nói trên của EIB sẽ đóng vai trò cầu nối và sẽ kết thúc vào cuối năm 2025.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, công cuộc tái thiết Ukraine sẽ tiêu tốn hơn 400 tỷ USD trong vòng hơn một thập kỷ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết nước này đã nhất trí với các nước đối tác về gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,5 tỷ euro (tương đương khoảng 1,68 tỷ USD) được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius trong hai ngày 11 và 12/7.
Ukraine sẽ nhận 2 hệ thống phòng không Patriot, thiết bị rà phá bom mìn và các phương tiện xe bọc thép của Australia, Canada và Anh. Bên cạnh đó, Hà Lan nhất trí cung cấp các khóa huấn luyện phi công của Ukaine.
Trước đó, các nước G7 cũng tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ thiết bị quân sự hiện đại trên bộ, trên không và trên biển, trong đó ưu tiên lĩnh vực phòng không, pháo binh, hỏa lực tầm xa, xe bọc thép...
Các nước G7 sẽ hỗ trợ Ukraine phát triển các cơ sở công nghiệp quốc phòng; giúp huấn luyện và diễn tập cho các lực lượng của Ukraine, hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo, ủng hộ các sáng kiến phòng thủ an ninh, khả năng phục hồi nền tảng mạng và giải quyết các mối đe dọa hỗn hợp./.