Ngân hàng 'bơm' vốn rẻ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Đồng hành cùng Chính phủ để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, các ngân hàng đang đồng loạt triển khai gói vay ưu đãi lãi suất hướng vào nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngân hàng 'bơm' vốn rẻ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Sau khi các tỉnh, thành thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dần khôi phục trở lại cộng thêm nhiều ngân hàng đồng loạt tung ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi đã giúp tăng trưởng tín dụng bắt đầu phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm.

Mạnh tay "rót vốn" cho sản xuất

Theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước và chỉ thấp hơn 1,6% so với một năm trước. Sự phục hồi này phần lớn nhờ hoạt động sản xuất tại các tỉnh và trung tâm công nghiệp lân cận được khôi phục.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4,4% trong tháng Chín lên 18,1% trong tháng 10 nhờ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Thặng dư thương mại đạt 2,85 tỷ USD trong tháng 10 do xuất khẩu hàng hóa tăng 5,7% (so với cùng kỳ năm trước) trong khi tăng trưởng nhập khẩu giảm từ 10,2% trong tháng Chín xuống còn 8,1%. Tính chung 10 tháng, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD.

[Các ngân hàng đã giảm gần 16.000 tỷ đồng lãi suất cho khách hàng]

Đồng hành cùng Chính phủ để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, ngân hàng đang đồng loạt triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất hướng vào nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thuộc nhóm các lĩnh vực ưu tiên, thương mại dịch vụ.

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã dành ra 20.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh đến hết năm 2021, với mức lãi suất ưu đãi 4,5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, 5,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dành 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD để cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu bổ sung vốn lưu động với kỳ hạn vay 9 tháng, lãi suất 5,1%/năm đối với VND và 2%/năm đối với USD.

Ngoài ra, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BAC A BANK) cũng dành 3.000 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) dành 10.800 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Sacombank, cho biết sau thời gian quý 3 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng đã phục hồi trở lại ngay từ tháng 10. Ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để phục vụ cho các hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, Sacombank cũng tung ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi để đồng hành cùng khách hàng.

Cũng nhằm đón mùa cao điểm kinh doanh cuối năm, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao của các doanh nghiệp, VietinBank tăng giới hạn tín dụng lên 20%. Với chính sách tín dụng linh hoạt, hạn mức cấp tín dụng không bảo đảm tối đa lên tới 10 tỷ đồng, khách hàng được ngân hàng đảm bảo tài chính xuyên suốt, phù hợp với phương án kinh doanh của mình, gia tăng cơ hội nhất là vào thời điểm mùa vụ.

Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, 8 ngân hàng và 64 doanh nghiệp đã ký kết gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng cho quý 4.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sau thời gian giãn cách, hầu hết các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất-kinh doanh trên địa bàn thành phố đều gặp khó khăn. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp theo Thông tư 01, 05 và 14, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất-kinh doanh; trong đó tập trung vốn vào một số ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.

Bà Võ Xuân Bội Lâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhà máy Trang thiết bị y tế USM Healthcare, cho biết năm 2020, công ty được ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi suất. Đến đợt dịch bùng phát năm 2021, doanh nghiệp được ngân hàng giảm 10% lãi suất trên toàn bộ dư nợ đang vay từ tháng Bẩy đến hết tháng 12/2021 và cho vay bổ sung 120 tỷ đồng hạn mức vốn lưu động.

"Sự hỗ trợ này đã giúp công ty trụ vững trong suốt thời gian giãn cách xã hội," bà Bội Lâm bày tỏ.

Ngân hàng nào sẽ nới room tín dụng?

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 10/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 8,87% so với cuối 2020, trong khi 9 tháng tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42%. Như vậy, chỉ trong 1 tháng rưỡi, tín dụng đã tăng thêm tới 1,45%.

Hiện lĩnh vực thuộc nhóm thương mại và dịch vụ là nhóm hấp thụ vốn tín dụng mạnh nhất, với khoảng 34.900 tỷ đồng được cấp vay mới so với tháng trước. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng được bổ sung thêm khoảng 15.600 tỷ đồng dư nợ. Điều này cho thấy hầu hết nguồn vốn tín dụng những tuần vừa qua được tập trung vào nhóm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu.

Ngân hàng 'bơm' vốn rẻ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh ảnh 2Tăng trưởng tín dụng từ tháng 1 đến 10/11/2021. (Đơn vị: %)

Chuyên gia tài chính-ngân hàng Cấn Văn Lực nhận định làn sóng dịch thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam đang tiến tới trạng thái “sống chung an toàn với COVID-19” nên kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Do đó, ông Lực dự báo ngành ngân hàng có thể mở rộng có chọn lọc tín dụng, tăng khoảng 12%-13% năm 2021 và 13%-14% năm 2022-2023, bao gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng cần được cấp thêm room tín dụng khi nhiều nhà băng đã tiệm cận với hạn mức tín dụng được cấp mới trong quý 3.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 11/2021, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết ngân hàng kỳ vọng đạt hạn mức tín dụng 25% cho cả năm, bởi sau 9 tháng tín dụng của MSB đã tăng gần 16%, cao hơn mức 10,6% cuối tháng Sáu.

Theo vị CEO này, MSB là ngân hàng có quản trị rủi ro tốt, tập trung giải ngân vào các ngành phát triển bền vững, tích cực tham gia các hoạt động và chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Trong kỳ nới hạn mức tín dụng cuối năm, MSB kỳ vọng sẽ được nâng "room" tín dụng, dựa trên cân đối và phân bổ của cơ quan điều hành.

Hay như trường hợp của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), đến giữa tháng Chín, tăng trưởng tín dụng đã đạt hơn 9% và gần chạm mức "trần" là 10%. Vì vậy, ngân hàng đã xin Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên hơn 25%, sát với mục tiêu được đặt ra trong đại hội cổ đông là 26%.

Nhiều ngân hàng khác cũng đang chờ được nới "room" tín dụng để có dư địa đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp trong dịp cuối năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục