Đồng hành cùng nông dân

Ngân hàng Agribank: “Bà đỡ” của bà con nông dân

Trong suốt 25 năm qua, Agribank luôn đồng hành cùng bà con nông dân cả nước, tạo ra nhiều diện mạo mới ở những vùng nông thôn nghèo.
Một phần tư thế kỷ hình thành, phát triển và đồng hành cùng với nền nông nghiệp và kinh tế đất nước là quãng thời gian chưa dài, nhưng cũng là một quãng thời gian đủ để Agribank tôi luyện bản lĩnh và ý chí vươn lên.

“Trong suốt 25 năm qua, Agribank luôn xứng đáng là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn,” người đứng đầu ngành ngân hàng-Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Thay đổi diện mạo nông thôn

Có lẽ 25 năm cũng là khoảng thời gian đủ để cho bà con nông dân trên cả nước “ngấm” cái tên Agribank. Ở mọi xóm làng của các vùng nông thôn, hễ cứ nói đến ngân hàng, là hầu hết bà con đều nghĩ ngay đến Agribank.

Ông Thạch Văn Thơ, 63 tuổi, sống tại ấp Trung Phú 1, tổ 7, xã Vĩnh Phú nhớ lại, khoảng đầu năm 1990, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên được vay trực tiếp từ ngân hàng, với số tiền vay tối đa là 260 nghìn đồng. Số tiền này ông dùng để mua vật tư nông nghiệp, giống, và nguyên liệu để trồng một ha lúa. Năm đầu tiên, do được chăm sóc tốt, gia đình ông đã thu hoạch được 7,5 tấn lúa (những năm trước năng suất tối đa chỉ được 5 tấn/ha). Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá.

Từ nguồn vốn vay của Agribank theo mô hình kinh tế hộ, chỉ sau một năm vay vốn, gia đình ông đã xây được nhà khang trang kiên cố. Sau đó, ông mua thêm được máy cày xới tay, mua thêm 8 ha đất để trồng lúa. Và hiện nay, cho dù ông không còn phải vay vốn ngân hàng nhưng các con của ông vẫn tiếp tục vay vốn Agribank khoảng 300 triệu đồng (đã trả được 100 triệu đồng) với lãi suất 13%/năm để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Gia đình ông Thơ cũng như rất nhiều hộ nghèo ở trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các vùng đặc biệt khó khăn đã được tiếp cận với đồng vốn vay của Agribank để thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội các vùng và cả nước.

Theo thống kê, đến cuối năm 2012, số xã được cho vay theo chương trình nông thôn mới là 2.080 xã, doanh số cho vay năm 2012 là 45.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới là 30.281 tỷ đồng - dẫn đầu các tổ chức tín dụng trong việc cho vay thí điểm xây dựng nông thôn mới - qua đó góp phần vào thành công bước đầu của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết, nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay trên toàn tỉnh đã có 93.702 hộ được vay vốn ưu đãi lãi suất, với tổng dư nợ 4.524 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân Kiên Giang đã cùng với Agribank tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ hội những nội dung liên quan về việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với Kiên Giang, nhiều hộ gia đình ở An Giang cũng thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay của ngân hàng.

Xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn, An Giang) là xã vùng sâu của Tứ giác Long Xuyên, diện tích đất tự nhiên hơn 3.600 ha (trong đó đất nông nghiệp là khoảng 3.100 ha). Toàn xã có 2.700 hộ, với hơn 10 nghìn nhân khẩu. Bà con nông dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp (sản xuất lúa và chăn nuôi).

Ngược ra phía Bắc, nhiều gia đình cũng đã khấm khá hơn nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng như mô hình nuôi thành công cá hồi trên đỉnh Xà Phìn (Hà Giang); hay như nhiều vùng quê nghèo thay đổi nhờ vay vốn của ngân hàng để đi lao động xuất khẩu rồi gửi kiều hối về cho người thân xây dựng nhà cửa, mở rộng kinh doanh buôn bán.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho rằng, bài học kinh nghiệm lớn cho sự thành công và phát triển của Agribank là ngân hàng luôn đồng hành với sản xuất nông nghiệp và hộ nông dân; chiến lược phát triển lấy hoạt động kinh doanh ở khu vực nông nghiệp và nông thôn là chính, coi trọng thị trường đô thị để quảng bá thương hiệu, phát triển dịch vụ và tiếp cận khách hàng lớn. "Đó cũng chính là bí quyết để Agribank vươn lên trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân," ông Bảo nhấn mạnh.

Bên cạnh việc là trụ cột chính của bà con nông dân, Agribank cũng là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định để sản xuất kinh doanh thành công trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đặc biệt, hàng năm, ngân hàng luôn dành vốn cho vay ưu đãi khách hàng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tái cơ cấu để phát triển

Đặt trong bối cảnh của nền kinh tế và những chủ trương của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cấu trúc ngành ngân hàng, Agribank đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại Agribank giai đoạn 2011- 2015 và những năm tiếp theo.

“Đề án cơ cấu lại được Agribank coi là nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống ngân hàng trong hội nhập đồng thời đây cũng là giai đoạn để Agribank rà soát, củng cố lực lượng nhằm phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách để phát triển,” ông Bảo khẳng định.

Theo báo cáo của Agribank, hệ số an toàn vốn trước 2011 dưới 7%, hai năm gần đây đều lên trên 9%. Tỷ lệ an toàn chi trả theo quy định là 15%, Agribank đã đạt 16%. Tỷ lệ sử dụng vốn trung dài hạn cho vay ngắn hạn trước đây trên 30% nhưng nay chỉ dưới 24%. Tỷ lệ nợ xấu trước đây trên 6%, nay còn 5,6% và nếu cân đối số vốn đã trích dự phòng rủi ro để trả thì tỷ lệ nợ xấu còn thấp hơn nữa, dự kiến đến năm 2014 sẽ dưới 3%, vượt yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Danh mục tài sản cũng được ngân hàng cơ cấu lại theo hướng an toàn hơn, tỷ lệ tiền gửi của dân cư, doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên, nhờ vậy thanh khoản của ngân hàng gần hai năm qua tốt, vừa đảm bảo tăng trưởng tín dụng cho thị trường trọng điểm nông thôn mà còn đưa vốn ra thị trường liên ngân hàng. Dự trữ thanh khoản của Agribank lúc nào cũng được đảm bảo ở mức 50.000-70.000 tỷ đồng.
 
Ông Bảo cho biết thêm, ngay từ đầu năm 2012, Agribank đã phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo chuẩn mực chung của thị trường. Nợ xấu đã được thể hiện một cách tương đối minh bạch và phản ánh khá sát tình hình. Các khoản cho vay trung dài hạn được xem xét chặt chẽ. Không cho vay các dự án lớn có độ rủi ro cao và khả năng thẩm định hạn chế.

Chính vì vậy, hai năm qua, Agribank đã chuyển mạnh sang bán lẻ, hướng ưu tiên vào kinh tế hộ nông thôn, cá nhân cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ðây cũng là một hướng đi an toàn và phù hợp với lợi thế của ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình tin tưởng rằng, chỉ trong 1 – 2 năm tới, Agribank sẽ hoàn thành quá trình tái cấu trúc để tiếp tục phấn đấu là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, với trọng tâm là phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. "Đây sẽ là chỗ dựa cho Chính phủ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay để nâng cao đời sống nông dân Việt Nam," Thống đốc Bình khẳng định./.
Được thành lập ngày 26/3/1988, hai năm sau khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Agribank đã bứt phá, vượt lên hàng loạt khó khăn của giai đoạn đầu mới thành lập.

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển đến nay, Agribank được biết đến là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam. Hiện Ngân hàng có tổng tài sản trên 617.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn trên 540.000 tỷ đồng, tổng dư nợ 480.000 tỷ đồng. Trên 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trong nước, một chi nhánh nước ngoài tại Campuchia, 9 công ty con, 2 văn phòng đại diện và gần 40.000 cán bộ, nhân viên.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục