Ngân hàng ADB: COVID-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu sụt giảm 9,7%

ADB cho biết sẽ có tới 242 triệu việc làm bị mất do dịch COVID-19, gấp hơn 7 lần so với thời kỳ xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ.
Ngân hàng ADB: COVID-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu sụt giảm 9,7% ảnh 1Máy bay của Hãng hàng không quốc tế Thụy Sĩ SWISS International Air Lines tại sân bay Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 15/5 cho rằng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 8.800 tỷ USD, tương đương 9,7% tổng sản phẩm GDP của thế giới, gấp đôi so với dự báo trước đó.

Nhận định trên được ADB đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh đã làm thương mại đình đốn và đẩy hàng triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp.

Theo ADB, sẽ có tới 242 triệu việc làm bị mất do dịch COVID-19, gấp hơn 7 lần so với thời kỳ xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ. Thu nhập của người lao động có thể bị thiệt hại tới 1.800 tỷ USD.

ADB nêu rõ khó có thể bù đắp những thiệt hại này, đồng thời cảnh báo khó có thể loại trừ nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính nếu dịch bệnh không được khống chế nhanh nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ và phá sản. Tuy nhiên, ngân hàng có trụ sở ở thủ đô Manila (Philippines) này cho rằng việc các chính phủ trên thế giới tung những gói cứu trợ có thể giúp giảm phần nào thiệt hại.

ADB cho biết tính riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dịch COVID-19 có thể khiến các nền kinh tế ở đây chịu thiệt hại từ 1.700-2.500 tỷ USD, chiếm 30% tổng sụt giảm toàn cầu. Thiệt hại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 2.200 tỷ USD và 1.600 tỷ USD.

[IMF có thể hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống thấp hơn vì COVID-19]

Du lịch và hàng không là hai ngành chịu thiệt hại lớn nhất của các nền kinh tế do các biện pháp đóng cửa biên giới và phong tỏa nhằm khống chế dịch bệnh. Hạn chế đi lại có thể khiến thương mại toàn cầu - vốn chịu nhiều tác động do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, giảm tới 2.600 tỷ USD.

Ngân hàng ADB: COVID-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu sụt giảm 9,7% ảnh 2Các vũ công Thái Lan đeo khẩu trang và tấm chắn giọt nước để phòng dịch COVID-19 khi biểu diễn tại Bangkok, ngày 4/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tính đến nay, hơn 4,54 triệu ca mắc COVID-19 tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó hơn 303.000 người đã tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 "có thể không bao giờ biến mất" và nhân loại sẽ phải học cách chung sống với virus này.

Để giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ADB khuyến cáo các chính phủ khống chế dịch bệnh bằng mọi cách, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ việc làm và thu nhập cao để tránh nguy cơ thiệt hại kinh tế trong dài hạn.

Việc mở lại dần các nền kinh tế phải đi kèm với xét nghiệm nhanh và trên diện rộng, và các chính phủ cũng cần ngăn chặn khi số ca mắc gia tăng nhằm khống chế dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục