Ngăn dịch sởi bùng phát rộng, Bộ Y tế đặt mục tiêu 95% trẻ tiêm đủ mũi vaccine

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chương trình tiêm chủng trên toàn cầu cũng như của Việt Nam bị ảnh hưởng, dẫn tới nhiều trẻ bị lỡ mũi tiêm, trong đó có vaccine sởi và rubella.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo Bộ Y tế, sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của trẻ như viêm phổi, viêm màng não…

Trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm mũi 1 vaccine sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tỷ lệ tiêm vaccine sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chương trình tiêm chủng trên toàn cầu cũng như của Việt Nam bị ảnh hưởng, dẫn tới nhiều trẻ bị lỡ mũi tiêm, trong đó có vaccine sởi và rubella. Ngoài ra, việc gián đoạn cung ứng vaccine tạm thời trong năm 2022-2023 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng sởi và rubella.

71% trẻ mắc sởi chưa được tiêm chủng

Từ đầu năm đến nay, bệnh sởi đang xuất hiện nhiều ca mắc bệnh ở các địa phương. Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 500 ca mắc.

Trước đó, vào ngày 27/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm sởi quy mô toàn Thành phố. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính từ ngày 26/8 đến ngày 1/9, Thành phố ghi nhận 118 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn 53% so với trung bình 4 tuần trước (77 ca). Trong số 106 ca nêu trên, có 22 ca xác định sởi trong phòng thí nghiệm và 84 ca nghi ngờ lâm sàng.

Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 432 ca bệnh sởi trong 3 tháng gần đây, trong khi 3 năm trước đó chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca. Trong các ca mắc sởi có đến 74% là trẻ dưới 5 tuổi và 71% trẻ chưa được tiêm chủng vaccine sởi dù đã đủ tuổi tiêm chủng.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận tổng cộng hơn 600 ca sốt phát ban nghi sởi. Các quận huyện có số ca mắc cao là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 2 ca mắc sởi, thời gian tới có thể ghi nhận thêm ca bệnh.

Phân tích về bệnh sởi, Tiến sỹ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay cuối năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới đã phát đi thông báo về nhiều nước trên thế giới có số ca mắc sởi gia tăng và cảnh báo Việt Nam về dịch sởi có thể bùng phát. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có sởi.

Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức chiến dịch tiêm chủng 1.134.200 liều vaccine phòng sởi nhằm bao phủ vaccine cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng.

Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai xuyên suốt dịp nghỉ lễ Quốc khánh. Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi-rubella cho tất cả trẻ em 1-5 tuổi đang sống tại địa phương; có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh. Toàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được gần 17.000 trường hợp.

Mục tiêu trên 95% trẻ được tiêm đủ mũi vaccine

Thời gian qua, Bộ Y tế đã đánh giá nguy cơ dịch theo bộ công cụ do Tổ chức Y tế thế giới cung cấp và xác định 18 tỉnh, thành phố sẽ tiến hành tiêm vaccine sởi-rubella miễn phí cho các đối tượng.

Tại Quyết định 2495/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 sẽ diễn ra trên 18 tỉnh thành phố với 135 huyện ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; trong đó khu vực miền Bắc có 17 huyện, khu vực miền Trung 17 huyện, còn lại 101 huyện thuộc khu vực miền Nam.

TTXVN_bảo quản vaccine tiêm chủng.jpg
Bảo quản vaccine tại các điểm tiêm chủng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi tại các vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi, dịch sởi xảy ra.

Mục tiêu cụ thể của chiến dịch là 95% trẻ thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm đủ mũi vaccine theo quy định tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra được tiêm 01 mũi vaccine Sởi-Rubella. Đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP và Nghị định 155/2018/NĐ-CP.

Thời gian thực hiện Kế hoạch chống dịch sởi 2024: Quý III-IV ngay sau khi vaccine được cung ứng.

Tiến sỹ Hoàng Minh Đức nêu rõ chiến dịch tiêm chủng sởi khác với kế hoạch tiêm bù, tiêm vét đã được thực hiện là đối tượng tiêm chủng được mở rộng. Cụ thể, trước đây chỉ tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Trong chiến dịch này đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella triển khai tại các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường và các trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ một hoặc nhiều đợt theo cụm huyện/ xã tùy vào điều kiện từng địa phương.

Theo Cục Y tế Dự phòng, sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

Bệnh sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.

Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục