Trang mạng dailymaverick.co.za ngày 30/10 có bài phân tích về biện pháp ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố mở rộng hoạt động sang các nước ven biển Tây Phi, nội dung như sau:
Từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng mất an ninh tại Tây Phi ngày một tăng với nhiều vụ tấn công của các tay súng nhằm vào khu vực phía Đông Burkina Faso.
Đến nay, tuy chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm gây ra các vụ việc trên, nhưng có thể những kẻ tấn công có liên quan đến các nhóm cực đoan ở khu vực Sahel.
Các nhóm này đã tiến hành nhiều vụ tấn công vào các mục tiêu được bảo vệ chặt chẽ, bao gồm cả các cuộc tấn công hồi đầu năm nay nhằm vào 2 địa điểm đều ở Ouagadougou là căn cứ quân sự của Burkina Faso và Đại sứ quán Pháp.
Những vụ tấn công đã cho thấy sự hiện diện của các đối tượng cực đoan trên một khu vực địa lý rộng lớn, từ vùng biên giới Liptako-Gourma của 3 nước Burkina Faso, Niger và Mali, di chuyển qua trung tâm và phía Nam Mali, đến phía Tây Niger, cũng như phía Bắc và mới nhất là phía Đông Burkina Faso.
Khu vực phía Đông Burkina Faso giáp với các nước láng giềng Benin và Togo làm gia tăng khả năng mở rộng của chủ nghĩa cực đoan từ khu vực Sahel vào các nước ven biển Tây Phi.
Ngày 13/2/2018, cuộc tấn công đầu tiên ở khu vực phía Đông của Burkina Faso nhằm vào lực lượng quốc phòng và an ninh ở thị trấn Natiaboani, nằm giữa Fada N’Gourma và Pama.
Khu vực phía Đông Burkina Faso, khu bảo tồn rừng rộng lớn vốn rất nổi tiếng với khách du lịch và hiện là khu vực cấm đi lại, nằm giáp với khu phức hợp W-Arly-Pendjari, nhiều năm nay thường xuyên xảy ra các vụ cướp giật quy mô lớn.
Từ đó đến nay, đã có khoảng 30 cuộc tấn công xảy ra ở khu vực phía Đông Burkina Faso.
[Ai Cập tiêu diệt 10 phần tử khủng bố ở sa mạc vùng Bắc Sinai]
Mặc dù không có nhóm cực đoan nào tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, nhưng việc sử dụng các thiết bị nổ ngẫu hứng và nhằm vào các mục tiêu là trường học, trụ sở chính quyền địa phương, lực lượng quốc phòng và an ninh, cho thấy nhiều khả năng những vụ tấn công có liên quan đến các nhóm cực đoan đang hoạt động ở khu vực Sahel, nhất là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm Ansarul-Islam.
Một số lý do có thể giải thích cho sự mở rộng hoạt động của các đối tượng cực đoan vào khu vực phía Đông của Burkina Faso:
Thứ nhất, những đối tượng này đang tìm kiếm các cơ sở hoạt động mới trước áp lực từ các cuộc tấn công truy quét của lực lượng quân đội, đặc biệt là Chiến dịch Barkhane của Pháp và các hoạt động của Lực lượng Hỗn hợp G5 Sahel.
Thứ hai, các nhóm cực đoan đang tận dụng ưu thế có được từ khu bảo tồn rừng rộng lớn ở phía Đông Burkina Faso, khu vực tam giác biên giới chồng chéo, tình hình an ninh kém và sự hiện diện không đầy đủ của các nước có liên quan.
Tuy nhiên, sự mở rộng các hoạt động cực đoan không phải là yếu tố phức tạp duy nhất tại khu vực này. Những bất bình của người dân tại đây cũng góp phần thúc đẩy các nhóm cực đoan mở rộng hoạt động.
Mâu thuẫn giữa nông dân địa phương và những người chăn nuôi trong tiếp cận với các vùng đất và khu vực đồng cỏ chăn thả gia súc được chính quyền địa phương phân chia cũng khiến quan hệ giữa bộ máy chính quyền và cộng đồng địa phương trở nên căng thẳng.
Các nhóm cực đoan đã triệt để khai thác quan hệ không tốt đẹp này nhằm thiết lập chỗ đứng tại khu vực.
Những đối tượng cực đoan đã tấn công các thị trấn Doga và Tantega ở phía đông Burkina Faso, nằm gần biên giới với Benin, gây ra những lo ngại về tình trạng bạo lực có thể lan rộng tới Benin, nhất là trong bối cảnh Benin có tham gia đóng góp cho Lực lượng Đặc nhiệm liên quốc gia chống lại tổ chức khủng bố Boko Haram.
Mặc dù các vụ tấn công của các nhóm cực đoan vẫn tiếp diễn ở khu vực phía Bắc Sahel, nhưng tình hình ở phía Đông Burkina Faso dường như đã bình yên hơn sau khi Chiến dịch Barkhane của Pháp, triển khai các cuộc không kích vào ngày 4/10 vừa qua ở Inata, tỉnh Soum, Burkina Faso (thuộc vùng Sahel) và các chiến dịch truy quét trên mặt đất ngày 6/10 tại tỉnh Kompienga (vùng phía Đông).
Tuy nhiên, ngày 16/10, xảy ra cuộc tấn công nhằm đánh cắp vũ khí tại Sideradougou, vùng Cascades gần khu vực biên giới Burkina Faso, Bờ Biển Ngà và Mali.
Đến nay, các quốc gia ven biển đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn những cuộc tấn công có thể xảy ra trong lãnh thổ nước mình.
Tháng 5/2018, ba nước Benin, Ghana và Togo đã phối hợp triển khai Chiến dịch Koudalgou, bắt giữ khoảng 200 người, trong đó một số bị tình nghi là thành viên của các nhóm cực đoan.
Tháng 7 vừa qua, Togo đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh chung giữa các nhà lãnh đạo Cộng đồng Kinh tế Tây Phi và Cộng đồng Kinh tế Trung Phi.
Trong tuyên bố chung, các nước cam kết đầu tư và chia sẻ thông tin để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan, xây dựng năng lực quốc phòng, an ninh, cũng như triển khai các chính sách công và các chương trình phát triển ở các vùng bị ảnh hưởng.
Trong cuộc họp ngày 25/10 tại Cotonou, Benin, chỉ huy các lực lượng vũ trang của Benin, Burkina Faso, Niger, Nigeria và Togo đã thảo luận đóng góp nguồn lực chống khủng bố giữa các nước quản lý Vườn quốc gia W (thuộc lãnh thổ 3 nước Niger, Benin và Burkina Faso trải dài theo hình chữ W) và biên giới Togo.
Nhóm 5 nước Togo, Benin, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà và Ghana cũng đang tập trung nỗ lực hành động để triển khai Sáng kiến Accra với mục tiêu đối phó với các thách thức an ninh chung của 5 nước.
Tuy nhiên, các nước ven biển Tây Phi không nên chỉ tập trung chống chủ nghĩa cực đoan đang hoành hành ở các nước láng giềng, mà còn nên đầu tư vào phòng ngừa các hoạt động khủng bố ở chính lãnh thổ nước mình.
Các nước ven biển Tây Phi nên cải thiện năng lực quản lý khu vực biên giới, tăng cường niềm tin giữa chính quyền với người dân, củng cố lực lượng tại chỗ và ở khu vực ngoại vi.
Các hoạt động phòng chống phải hạn chế những lỗ hổng mà các nhóm cực đoan sử dụng để trà trộn vào cộng đồng địa phương.
Điều này sẽ phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể từng nước và có thể góp phần ngăn chặn các hoạt động cực đoan mở rộng ra nhiều nước ven biển Tây Phi.
Các hướng triển khai như vậy sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của các biện pháp phòng và đấu tranh, góp phần ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cực đoan ở các nước ven biển Tây Phi./.