Ngăn chặn tối đa dịch tả lợn châu Phi lây lan vào miền Nam

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng là rất lớn, bởi thời tiết bất lợi; quy mô chăn nuôi nuôi nhỏ lẻ chiếm phần lớn.
Lực lượng chức năng phun hóa chất khử trùng chuồng trại. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Sáng 26/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã có cuộc họp đầu tiên để thống nhất các chương trình hành động tới đây.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng là rất lớn, bởi thời tiết bất lợi; quy mô chăn nuôi nuôi nhỏ lẻ chiếm phần lớn... Do đó, các đơn vị chức năng, các địa phương nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng bệnh thì sẽ lây lan rất nhanh.

Về chương trình hành động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, về biện pháp cần phải phân ra làm hai nhóm. Đối với nhóm hộ nhỏ lẻ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học. Rút kinh nghiệm thời gian qua, dịch xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Qua đó, việc áp dụng an toàn sinh học như các hộ chăn nuôi có quy mô lớn thì sẽ có điều kiện ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, trước mắt tất cả các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học từ vệ sinh, giám sát, phát hiện, xử lý... đảm bảo đúng quy trình phòng, chống dịch đã ban hành.

Thứ hai, đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, có tổng đàn lớn, đặc biệt là các hộ quản lý đàn hạt nhân (đàn nái cơ bản) cần phải gia tăng các biện pháp phòng hộ để đảm bảo an toàn cho đàn giống. Thời gian tới, khi dịch bệnh ổn định thì có cơ sở đàn giống tốt cho việc nhân đàn.

[Thừa Thiên-Huế phát hiện thêm một đàn lợn rừng mắc dịch tả châu Phi]

Một giải pháp nữa là ngăn chặn tối đa bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan vào miền Nam. "Hiện vẫn còn những xe vận chuyển lợn, sản phẩm thịt lợn từ Bắc vào Nam, do đó phải giám sát chặt chẽ bằng mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng này; đồng thời với các biện pháp khác nhằm giảm thiểu rủi ro, nguy cơ dịch bệnh gây ra đối với đàn lợn tại khu vực phía Nam" - Bộ trưởng Cường nói.

Song song đó, ngành thú y cần phải củng cố ngay hệ thống thú y từ Trung ương đến địa phương. Tại Trung ương, Cục Thú y cử một bộ phận tập trung chuyên sâu vào bệnh này để thống nhất các biện pháp giải quyết và chỉ đạo.

Đối với địa phương, cần rà soát và củng cố lại hệ thống thú y cơ sở từ cấp tỉnh, huyện, xã. Bởi hiện nay, chăn nuôi của Việt Nam vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, quy mô chăn nuôi lớn và đa dạng vật nuôi. Chính vì vậy, lực lượng thú y là vô cùng quan trọng. Do đó, các địa phương cần củng cố lại lực lượng này nhằm đảm bảo các điều kiện hoạt động, trước hết là bệnh dịch tả lợn châu Phi, sau đó là các dịch bệnh khác.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), cho biết từ ngày 20/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng; trong đó đã có hộ chăn nuôi lớn với tổng đàn 4.500 (gồm 500 nái và 4.000 lợn thịt) tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị bệnh. Như vậy, dịch bệnh đã xâm nhiễm vào trại có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn các hộ dân.

Đến ngày 25/3, dịch bệnh đã xảy ra tại 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 64.879 con. Các ổ dịch này đều chưa qua 30 ngày theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục