Theo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có tiềm năng đa dạng sinh học rất phong phú và sự đa dạng cao về các nguồn gen quý, hiếm.
Mặc dù, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực từ chủ trương, chính sách đến hành động nhưng thực tế hệ sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam liên tục bị suy giảm và suy thoái với tốc độ rất nhanh.
Suy giảm và suy thoái tốc độ nhanh
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 20.000 loài thực vật, trên 10.500 loài động vật trên cạn, trên 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt, trên 11.000 loài sinh vật biển và khoảng 7.500 chủng vi sinh vật.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, cho biết dưới áp lực của sự gia tăng dân số đã và đang tạo ra một nhu cầu lớn về tiêu thụ tài nguyên.
Quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển thiếu quy hoạch, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng cơ sở... làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã.
[Đại dương sẽ mất đi gần 20% số sinh vật biển do biến đổi khí hậu]
Các loại tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên sinh vật đang bị khai thác quá mức, nhất là thủy, hải sản, lâm sản gỗ và phi gỗ.
Sự du nhập của các loài ngoại đang tác động trực tiếp đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 28/12/2018, tôm hùm nước ngọt được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp vào danh sách các loài có nguy cơ xâm hại, cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên.
Nhiều loài sinh vật, đặc biệt là các loài quý, hiếm, đang trở nên tuyệt chủng ngoài tự nhiên hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loài dược liệu quý trước đây rất sẵn ở Vườn quốc gia Hoàng Liên như bảy lá một hoa, nấm linh chi, tam thất... mấy năm gần đây khi đi khảo nghiệm thực tế đã không còn nhìn thấy.
Tình trạng khai thác, săn bắn, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp gây ra mối đe dọa lớn tới đa dạng sinh học cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, từ 1/2013-12/2017, cả nước có 1.504 vi phạm; 41.328kg cá thể và sản phẩm, 1.461 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; 432 bị cáo bị xét xử trong các vi phạm hình sự về động vật hoang dã.
Ngoài ra, những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã xuất hiện và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, để lại những hậu quả nặng nề, thậm chí không còn khả năng phục hồi đối với đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên trên cạn cũng như dưới nước.
Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh, nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao, đặc biệt các loài thú lớn và một số loài linh trưởng.
Các nguồn gene hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều. Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sinh kế của con người, đe dọa sự phát triển bền vững.
Bảo tồn có hiệu quả
Thực tế, hiện nay nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền cũng như người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã chưa đầy đủ và đúng mức.
Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã chưa thực sự được coi trọng, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Trong nhân dân, còn khá phổ biến tư tưởng muốn sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, quà biếu, tặng. Kinh phí cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học còn dàn trải, thiếu trọng tâm, thiếu cơ chế khuyến khích đầu tư, phát triển đa dạng sinh học từ trung ương đến địa phương...
Để bảo tồn có hiệu quả hệ sinh thái và đa dạng sinh học, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng.
Công tác điều hành phải luôn tính đến yếu tố bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển kinh tế - xã hội; cân nhắc và chú trọng ngay từ đầu việc đánh giá những ảnh hưởng của các chính sách phát triển, các dự án kinh tế tới đa dạng sinh học...
Việc kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học phải được xem là một trong những tiêu chí để xếp loại và đánh giá cán bộ hàng năm, là cơ sở để xem xét đánh giá bổ nhiệm cán bộ.
Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật đa dạng sinh học theo hướng thống nhất quản lý về đa dạng sinh học; đề xuất ban hành chỉ thị hoặc nghị quyết riêng về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng và hành động của toàn Đảng, các cấp, các ngành và sự đồng thuận trong nhân dân; hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đa dạng sinh học; tăng cường việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; tạo cơ chế huy động sự tham gia và hợp tác đa bên trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Công tác truyền thông và xây dựng năng lực về bảo tồn đa dạng sinh học cần được đẩy mạnh; đồng thời triển khai một số mô hình lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong phát triển kinh tế-xã hội, du lịch sinh thái địa phương; bảo tồn gắn với sinh kế, dựa vào cộng đồng; xây dựng mô hình chi trả dịch vụ môi trường và mô hình chia sẻ lợi ích từ việc phát sinh sử dụng nguồn gen.
Các bộ, ngành cần kịp thời cung cấp các thông tin về các vụ việc có xung đột môi trường nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng để kịp thời chỉ đạo và định hướng tuyên truyền.
Việt Nam tiếp tục xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia giai đoạn 2021-2030; đề án điều tra cơ bản về quản lý tài nguyên, môi trường và lập cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học; triển khai các chương trình, đề án về bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; chương trình bảo tồn nguồn gene.
Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học nhấn mạnh: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành tuyên giáo với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong định hướng, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Có thể đưa nội dung tuyên truyền về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo tồn các loài hoang dã, nguy cấp quý hiếm vào các nội dung sinh hoạt chi bộ, đặc biệt phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ trung ương đến cơ sở. Đồng thời, xây dựng cơ chế cung cấp thông tin giữa ngành tuyên giáo với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về bảo tồn đa dạng sinh học.
Từ những định hướng về bảo tồn đa dạng sinh học, các cấp ủy đảng sẽ tập trung chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch bảo tồn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị, góp phần thiết thực thực hiện có hiệu quả Công ước Quốc tế về đa dạng sinh học và các cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam tham gia./.