Ngăn chặn lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất khẩu

Tham gia các hiệp định FTA, Việt Nam có nhiều cơ hợi thu hút nguồn vốn FDI song cũng cần có những giải pháp kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước.
Dây sạc điện thoại di động thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ghi Made in Vietnam do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 7/2019. (Ảnh: Vietnam+)

Trong thời gian qua, để lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại tư do (FTA), một số doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.

Chống gian lận lợi dụng chính sách

Ông Trần Mạnh Cường, Phó cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) quan trọng (như Hiệp định quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, Hiệp định thương mại Việt Nam-EU) đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thu hút đầu tư từ nước ngoài (FDI), bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý. Đó là việc đảm bảo tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước Việt Nam.

Từ khi chiến tranh thương mại xảy ra, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế (tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp xuất khẩu) của lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Cụ thể, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7,5% lên đến 285%, tùy theo từng mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Trước tình hình đó, một số ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế có thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch tăng đột biến, như đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, ông Cường cho biết Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 “về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.”

Sản phẩm giày TOPPER trong lô hàng tạm nhập từ Trung Quốc để xuất khẩu đi nước thứ 3 nhưng trên sản phẩm ghi Made in Vietnam do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 5/2019. (Ảnh:Vietnam+)

Nhiều vụ sai phạm bị phát hiện

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã thực hiện chuyên đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Ông Cường cho hay từ kết quả kiểm tra, xác minh, ngành đã phát hiện các phương thức gian lận phổ biến, như doanh nghiệp đầu tư thực hiện dây chuyền sản xuất sơ sài, thậm chí chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu (cụ thể, doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác). Hoặc, các doanh nghiệp đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều ưkiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

“Từ đầu năm trở lại đây, toàn ngành Hải quan thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, đã phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu. Theo đó, ngành đã phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ đồng thời tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm,” ông Cường cho biết.

Theo đó, toàn ngành đã thu về hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).

Container chứa nhiều linh kiện, phụ kiện điện thoại di động thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ghi Made in Vietnam do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 7/2019. (Ảnh: Vietnam+).

Áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt

Theo ông Cường, Tổng cục Hải quan đã xác định hoạt động kiểm tra sau thông quan, điều tra xác minh hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm của ngành trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Thời gian qua, với sự tập trung chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, bước đầu đã kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan Việt Nam ký kết với các nước (đặc biệt là Mỹ) để thực hiện hành vi vi phạm xuất xứ Việt Nam, làm ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với các nước.

Cụ thể, ông Cường cho biết ngành đã cơ bản kiểm soát được tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu của các nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến (như xe đạp, pin năng lượng mặt trời, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ) và nhiều mặt hàng khác tránh ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam.

Đề xuất kiến nghị trong thời gian tới, đại diện ngành Hải quan cho rằng Bộ Tài chính cần bổ sung quy định cách tính thu lợi bất hợp pháp đối với doanh nghiệp hoạt động theo loại hình gia công do chủ thể của hàng hóa (đơn vị thuê gia công) thường ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam.

“Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần có quy chế phối hợp cụ thể với Bộ Tài chính, cơ quan hải quan trong việc kiểm tra xác minh xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, như hướng dẫn cụ thể về việc ghi nhãn hàng mác, khai báo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cũng như văn bản hướng dẫn cụ thể về tự chứng nhận xuất xứ, nghiên cứu quy định cụ thể về phương pháp xác định xuất xứ, hành vi vi phạm tự chứng nhận xuất xứ để đảm bảo tính khả thi trong xử phạt và phòng ngừa gian lận,” ông Cường nói./.

Ông Trần Mạnh Cường, Phó cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan phát biểu:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục