Trong khoảng 1 tháng qua, trên địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng xảy ra tình trạng người dân chặt cành măng cụt trong thời kỳ chuẩn bị ra hoa quả của niên vụ 2022 để bán lá cho thương lái với giá từ 20.000-25.000 đồng/kg.
Phát hiện thấy hiện tượng bất thường, có thể gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả măng cụt và sự sinh trưởng của cây trong những năm tiếp theo, chính quyền huyện Cát Tiên đã nhanh chóng có các biện pháp khắc phục tình trạng trên.
Ngày 14/1, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cát Tiên cho biết, ngay sau khi phát hiện tình trạng trên, từ ngày 31/12/2021, Ủy ban Nhân dân huyện đã có văn bản số 2077/UBND-NN gửi các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện yêu cầu nắm bắt tình hình và tuyên truyền nông dân không chặt cành bán lá cây măng cụt trong thời kỳ chuẩn bị ra hoa quả niên vụ 2022.
Theo ông Phúc, khi phát hiện thì người dân mới chỉ đang chặt tỉa các cành bị sâu bệnh, cành phụ để lấy lá đem bán. Việc mua bán cũng không diễn ra trên địa bàn huyện, mà người dân thu gom lá chuyển ra bên ngoài về hướng huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai... phía Quốc lộ 20 để bán, nhưng chưa rõ bán cho ai và ở đâu. Sau khi kịp thời tuyên truyền vận động, hiện người dân chỉ thu gom số lá rụng đến bán chứ không chặt tỉa cành lá như trước.
Theo văn bản số 2077/UBND-NN ngày 31/12/2021, Ủy ban Nhân dân huyện Cát Tiên đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã, đặc biệt là xã Đức Phổ khẩn trương tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hiểu rõ tác dụng của cây măng cụt là để lấy quả. Quả măng cụt là nguồn thu nhập chính, bền vững, nên không chạy theo lợi ích trước mắt mà chặt cành tán cây lấy lá bán cho thương lái trong thời điểm cây đang thời kỳ chuẩn bị ra hoa của niên vụ 2022.
Các hộ trồng cây chỉ thực hiện việc tỉa cành, tạo tán cây sau khi kết thúc việc thu hoạch và chỉ cắt tỉa những cành vô hiệu, không lạm dụng cắt tỉa cành hữu hiệu sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây măng cụt trong những năm tiếp theo.
[Long An giải quyết tình trạng doanh nghiệp hủy đơn hàng thanh long]
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Cát Tiên cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở thường xuyên kiểm tra, nắm bắt các trường hợp (thương lái) đến địa phương để thu mua lá măng cụt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường chỉ đạo sản xuất, khuyến cáo kỹ thuật chăm sóc cây măng cụt trong thời kỳ chuẩn bị ra hoa; tuyên truyền cho các hội viên hội nông dân tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây, không để tình trạng nông dân chặt cành măng cụt để bán lá cho thương lái, gây ảnh hưởng đến sản xuất.
Các huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng như Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh... là những địa phương trồng các loại cây ăn trái chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa của tỉnh Lâm Đồng. Nhiều loại cây ăn trái đã và đang xây dựng được thương hiệu như sầu riêng Đạ Huoai, măng cụt Cát Tiên...
Huyện Cát Tiên hiện đang có 150 ha măng cụt, trồng chủ yếu tại thị trấn Phước Cát và các xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, Gia Viễn, Nam Ninh; trong đó, Đức Phổ là địa phương có diện tích trồng măng cụt lớn nhất của huyện Cát Tiên, lên tới 80 ha, có 60 ha đang trong thời kỳ kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cát Tiên nhận định, việc chặt cành, thu gom lá cây măng cụt để bán cho thương lái trong thời kỳ chuẩn bị ra hoa quả niên vụ 2022 là bất thường, không phù hợp với quy trình canh tác, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả măng cụt và sự sinh trưởng, phát triển của cây này trong những năm tiếp theo.
Bởi vậy nên khi phát hiện tình trạng trên, chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp để theo dõi, ngăn chặn, tuyệt đối không để xảy ra hậu quả, ảnh hưởng đến sản xuất của địa phương./.