Ngăn chặn kịp thời các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp ở Yên Bái

Được chính quyền, công an tuyên truyền, những người từng bị ảnh hưởng bởi tổ chức tôn giáo trái phép đã nhận thức được tác hại của việc tin theo tà đạo, từ bỏ chúng, tích cực xây dựng đời sống mới.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 100 hộ với gần 750 khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông tin theo 11 tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của một bộ phận đồng bào Mông ở Yên Bái, các thế lực thù địch đã dụ dỗ, lôi kéo họ tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, nổi lên là hai tổ chức “Giê sùa” và “Ân điển cứu rỗi.”

Bản chất các tổ chức này là tập hợp lực lượng, chống phá Đảng và Nhà nước, thành lập nhà nước riêng; tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự. Trước thực trạng này, các cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả.

Nhận diện các tổ chức phi pháp

Tổ chức “Ân điển cứu rỗi” hay còn gọi là “Ân điển đời đời,” “Tin lành Việt Nam truyền giáo” có nguồn gốc từ bên ngoài. Giáo lý của tổ chức này dựa trên kinh thánh giống với các tổ chức Tin lành khác, tuy nhiên có cách hiểu và giải thích sai lệch như “Chúa Giê Su đã chịu đóng đinh và chết trên thập tự giá để gánh mọi tội lỗi trên thế gian, nên khi con người phạm tội, mọi lỗi lầm đều được tha thứ mà không cần ăn năn, hối cải.”

Từ đó cổ vũ cho lối sống cực đoan, phóng túng, tự do, vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân và tín đồ các hệ phái Tin lành chính thống. Các đối tượng cầm đầu, cốt cán của tổ chức này đã tích cực thông qua hoạt động từ thiện, đào tạo nghề, tổ chức tham quan, du lịch, hội nghị, hội thảo ở nước ngoài để lôi kéo sinh viên, thanh niên tin theo “Ân điển cứu rỗi.”

Tỉnh Yên Bái hiện có trên 90 hộ với 536 khẩu người dân tộc Mông tại các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Yên bị tác động sinh hoạt theo giáo lý của tổ chức “Ân điển cứu rỗi.”

Anh Sùng A Thờ ở thôn Quyết Tiến, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, cho biết do nhận thức kém, bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, anh đã tham gia tổ chức tôn giáo “Ân điển cứu rỗi.” Khi được chính quyền và lực lượng Công an tuyên truyền, anh đã từ bỏ tham gia tổ chức bất hợp pháp này. Anh khuyến cáo bà con đồng bào Mông không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của các đối tượng xấu trong tổ chức “Ân điển cứu rỗi.”

[Phát hiện nhóm người sinh hoạt “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” trái phép]

Cùng với tổ chức “Ân điển cứu rỗi,” trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 6 hộ với 40 khẩu người dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu và Văn Chấn tham gia tổ chức “Giê Sùa.” Tổ chức này do đối tượng David Her, tự xưng là mục sư, hiện sinh sống ở bang California, Mỹ (tên thật của David Her là Hờ Chá Sùng, khoảng 50 tuổi, người dân tộc Mông, quê quán ở huyện Phôn Xa Vẳn, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) lập ra năm 2015.

Tổ chức “Giê sùa” thường xuyên đả kích các tôn giáo chính thống, cho rằng Chúa Giêsu là tên do nhà cầm quyền La Mã trước đây cố tình viết sai nhằm phục vụ mưu đồ thống trị chính quyền; khẳng định Chúa Giêsu (Đạo Công giáo và Tin lành) không phải tôn giáo của người Mông, chỉ có “Giê sùa” mới là tôn giáo chính thống của người Mông và kích động người Mông chiến đấu, xây dựng nhà nước riêng.

Anh Trảo A Tống, ở thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, cho biết anh tìm hiểu “Giê sùa” từ năm 2016. Sau khi đi theo tổ chức này, anh bị các đối tượng trong tổ chức thường xuyên xúi giục nói xấu, chống phá chính quyền. May mắn nhờ được chính quyền và lực lượng Công an tuyên truyền nên anh đã nhận thức được “Giê sùa” là tổ chức hoạt động phi pháp, việc tham gia là vi phạm pháp luật.

Thống kê của Công an tỉnh Yên Bái cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 100 hộ với gần 750 khẩu trú tại 31 thôn, bản, tổ dân phố, trên 20 xã phường thị trấn và ở 8 huyện, thị xã, thành phố tin theo 11 tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Hầu hết trong số đó là đồng bào Mông, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Theo Trung tá Giàng A Nủ, Trưởng Công an xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, các loại tà đạo xâm nhập vào địa bàn gây mất an ninh trật tự, tranh chấp tôn giáo, gây bức xúc trong dư luận, công tác đấu tranh cũng rất khó khăn.

Ngăn chặn kịp thời

Để ngăn chặn kịp thời hoạt động phi pháp của các tổ chức “Giê sùa” và “Ân điển cứu rỗi,” thời gian qua, các cán bộ phòng An ninh Nội địa, Công an tỉnh Yên Bái đã nắm chắc địa bàn, thường xuyên lên các bản có người Mông sinh sống để tuyên truyền một cách gần gũi, sát dân để giúp họ nhận biết được các dấu hiệu, bản chất của các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp và những tác hại của việc tin theo tà đạo.

Cán bộ phòng An ninh Nội địa, Công an tỉnh Yên Bái thường xuyên lên các bản có người Mông sinh sống để tuyên truyền. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhờ đó, nhiều người từng bị ảnh hưởng bởi tổ chức tôn giáo bất hợp pháp đã cởi mở, hòa đồng hơn và tin tưởng theo đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế, không bỏ quê hương, gia đình đi theo các đối tượng xấu.

Các địa phương trong tỉnh Yên Bái cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ… để người dân hiểu biết pháp luật hơn. Đồng thời, phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng để vun đắp tình đoàn kết trong nhân dân, xây dựng đời sống lành mạnh.

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Vừ Giống Củ, thôn Khe Kẹn, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, cho biết trong các cuộc họp, ông cùng các cấp ủy Chi bộ luôn động viên, hướng dẫn người dân không vi phạm pháp luật, làm ăn buôn bán chính đáng để phát triển kinh tế, góp sức làm giàu cho chính gia đình mình và quê hương, không vi phạm những điều Nhà nước không cho phép.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an các cấp còn chủ động nắm chắc tình hình; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; tổ chức vận động tập trung, cá biệt để nhân dân nhận thức rõ được bản chất của các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp như “Giê sùa,” “Ân điển cứu rỗi”… Nhờ đó, đến nay đã có 5 hộ 32 khẩu từ bỏ tổ chức “Giê sùa” và gần 50 hộ, trên 250 khẩu cam kết từ bỏ tổ chức “Ân điển cứu rỗi” để quay trở lại sinh hoạt theo tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc Mông hoặc các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.

Thượng tá Vũ Đức Chung, Phó Trưởng phòng An ninh Nội địa, Công an tỉnh Yên Bái, cho biết phòng An ninh Nội địa đã đề xuất với lãnh đạo Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các chỉ thị, kế hoạch, trong đó phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Ủy ban Nhân dân các cấp, thể hiện sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tổ chức “Giê sùa” nói riêng và các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp nói chung trên địa bàn tỉnh.

Các tà đạo, đạo lạ như “Giê sùa,” “Ân điển cứu rỗi” có bản chất là lôi kéo người dân chống phá Đảng và Nhà nước, lập nhà nước riêng, gây mất đoàn kết trong nhân dân. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Bộ luật Hình sự của Việt Nam và sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm.

Những giải pháp được tỉnh Yên Bái triển khai trong thời gian qua nhằm ngăn chặn kịp thời hoạt động của các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, không chỉ góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật mà còn góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục