Ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh ngay từ cửa khẩu, thúc đẩy tiêm vaccine

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm, đảm bảo kinh phí, huy động nguồn lực, khống chế, giảm tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch lan rộng.
Ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh ngay từ cửa khẩu, thúc đẩy tiêm vaccine ảnh 1Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và PTTH huyện Văn Bàn, Lào Cai được phun khử khuẩn toàn bộ lớp học sau khi phát hiện 17 ca COVID-19 là học sinh nhà trường. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ngày 14/4, tại Bình Định, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2023.

Tại Hội nghị, Giáo sư-Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh các địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm, đảm bảo đủ kinh phí, huy động được nguồn lực, sự tham gia của các ban ngành tại địa phương; từ đó mới hy vọng khống chế, giảm tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch lan rộng.

Ngoài ra, phải có biện pháp phù hợp từng thời điểm, nguy cơ đến đâu xử lý đến đó để giải quyết các vấn đề y tế công cộng; tập trung kiểm soát các đối tượng nguy cơ cao như người lớn tuổi, người mắc các bệnh nền, người suy giảm miễn dịch như phụ nữ mang thai, phải tiêm chủng đầy đủ, thực hiện nghiêm túc theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

[Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5]

Bộ Y tế cũng đề ra các giải pháp phòng, chống dịch có hiệu quả như tăng cường thanh tra kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch; chủ động ngăn chặn, kiểm soát tại cửa khẩu, giám sát, phát hiện sớm tại cộng đồng, trong cơ sở y tế, phát hiện sớm các biến thể và tác nhân gây bệnh; thực hiện hiệu quả công tác phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn, tăng cường nâng cao năng lực điều trị các tuyến, nhất là hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế để huy động các nguồn lực và kỹ thuật cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng thuốc vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, tác nhân gây bệnh; thúc đẩy công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID- 19, đặc biệt là tiêm chủng cho nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi, nhóm nguy cơ cao và trẻ em…

Theo báo cáo từ Bộ Y tế, năm 2022, Việt Nam ghi nhận trên 371.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 5 lần so với năm 2021; có 144 ca tử vong, tăng 5,3 lần.

Bệnh tay chân miệng ghi nhận hơn 66.460 ca mắc, tăng 1,7 lần; có 3 ca tử vong, giảm 8 ca. Bệnh dại ghi nhận 70 ca tử vong, tăng 4 ca. Ghi nhận 2 ca đậu mùa khỉ nhập cảnh từ nước ngoài và 1 trường hợp cúm A(H5).

Các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn. Các dịch bệnh lưu hành, các bệnh có vaccine dự phòng trong nước như cúm, sởi… cơ bản được kiểm soát.

Từ đầu tháng 4/2023 đến nay, dịch COVID-19 có xu hướng tăng. Cụ thể, trong 7 ngày (từ 6-12/4) cả nước ghi nhận 849 ca mắc mới, trung bình có 120 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 4,2 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó, nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 262 ca, chiếm 30,9% số mắc mới.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn; các tác nhân gây bệnh, các chủng virus cúm liên tục biến đổi làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn, số chưa tiêm chủng cao, khả năng miễn dịch giảm…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục