Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết với nhận định, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cùng với khủng hoảng kinh tế diễn ra đồng thời, vấn đề an ninh lương thực là mối quan tâm chính của nhiều nước trên toàn thế giới, trong đó có Indonesia.
Lương thực-thực phẩm là cấp độ đầu tiên trong Tháp nhu cầu của Maslow, do đó các quốc gia cần đảm bảo sự sẵn có cũng như khả năng tiếp cận liên tục đối với mặt hàng này.
Sự gia tăng hoạt động thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp các quốc gia đáp ứng nhu cầu ăn uống đa dạng một cách hiệu quả hơn. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính, thương mại nông nghiệp toàn cầu tăng gấp 3 lần về giá trị, lên khoảng 1.600 tỷ USD trong giai đoạn năm 2000-2016.
Người dân Indonesia có thể ăn tỏi từ Trung Quốc, thịt bò từ Australia và sữa đậu nành từ Mỹ, trong khi phần còn lại của thế giới được thưởng thức càphê, sôcôla và dầu cọ của Indonesia.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với thương mại thế giới, bao gồm cả thực phẩm và nông sản. Sản xuất chậm lại, giao thông vận tải và hậu cần gặp khó khăn, các kênh phân phối bị cản trở khi biên giới bị đóng cửa.
[Dịch COVID-19: Giá lương thực, thực phẩm thế giới giảm]
Các nước giờ đây cần có sự tính toán chiến lược rất kỹ để đảm bảo nguồn cung lương thực chính cho người dân, không chỉ nhằm vượt qua đại dịch mà còn kiểm soát lạm phát.
Theo báo cáo của Global Hunger Index 2019, Indonesia đang phải vật lộn với nạn đói ở mức độ nghiêm trọng. Tình trạng thiếu lương thực hoặc lạm phát thực phẩm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, đặc biệt là những người nghèo dễ bị tổn thương, những người thậm chí vào những ngày bình thường có thể phải chi tới 60% thu nhập của họ cho thực phẩm.
Với câu hỏi, liệu chúng ta có đủ thức ăn cho tất cả mọi người để vượt qua đại dịch COVID-19 hay không? Câu trả lời là có, nếu chúng ta làm việc cùng nhau.
Theo báo cáo của FAO về nguồn cung-cầu ngũ cốc được phát hành vào tháng 3/2020, thị trường ngũ cốc toàn cầu trong năm 2019-2020 dự kiến sẽ duy trì ở trạng thái tốt.
FAO cũng tuyên bố triển vọng tích cực đối với lúa và các cây trồng chủ lực khác trong năm 2020. Theo đó, an ninh lương thực sẽ không phải là vấn đề trong suốt năm 2020. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chắc chắn mang đến những vấn đề phức tạp khác đối với an ninh lương thực, liên quan đến vấn đề điều phối và thương mại toàn cầu.
Trong tình huống hiện nay, mỗi quốc gia cần đánh giá dự trữ thực phẩm của chính mình. Các nước xuất khẩu nên tiếp tục duy trì xuất khẩu hàng hóa còn các nước nhập khẩu cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại bằng cách hạ thấp các rào cản thương mại.
Điều này sẽ khuyến khích thương mại nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu tiếp tục, ngay cả với những thách thức hậu cần. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bổ sung sẽ cần thiết để đảm bảo sức khỏe người lao động nhưng không nên dừng hoạt động giao dịch.
Nhà kinh tế của FAO Maximo Torero cảnh báo rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là các chính phủ hạn chế dòng thực phẩm và bây giờ là lúc cần bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm trên toàn thế giới.
Đóng cửa xuất khẩu có thể dẫn đến nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vì sự thiếu hụt nguồn cung và tăng giá lương thực toàn cầu.
Chính phủ Ấn Độ đã cho phép các cảng lớn tại nước này tạm dừng một số hoạt động do dịch COVID-19. Indonesia nhập khẩu hành tây và thịt bò từ Ấn Độ và đã thực hiện các thỏa thuận nhập khẩu 130.000 tấn đường vào đầu năm 2020 để đáp ứng nhu cầu.
Trong khi đó, Indonesia cũng gặp khó khăn khi nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm khác do các chính sách bảo hộ tự áp đặt gây ra sự chậm trễ và tốn kém chi phí. Như trường hợp nhập khẩu đường, tỏi và hành tây của Indonesia đã bị trì hoãn do hạn chế nhập khẩu, khiến giá cả tăng vọt.
Với sự biến động của thị trường thực phẩm toàn cầu và với tỷ giá đồng rupiah suy giảm, xuống mức 16.000 rupiah đổi 1 USD, việc trì hoãn nhập khẩu có thể gây ra chi phí đáng kể cho chính phủ.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn mà đáng lẽ có thể được sử dụng tốt hơn cho mua sắm vật tư y tế và bộ dụng cụ xét nghiệm. Indonesia đã tạm thời nới lỏng các yêu cầu cấp phép nhập khẩu đối với 11 mặt hàng thực phẩm chiến lược, bao gồm tỏi và hành tây.
Hiện tại, giữa cuộc khủng hoảng COVID-19, thế giới không thể đủ khả năng ứng phó cho một cuộc khủng hoảng lương thực khác. Các quốc gia phải làm việc cùng nhau để đảm bảo hoạt động cung cấp thực phẩm ổn định khi đối mặt với đại dịch.
Đối với Indonesia, điều đó có nghĩa là hạ thấp các rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu.
Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, cụ thể là các quốc gia khác không hợp tác trong thương mại toàn cầu, Indonesia vẫn có thể hưởng lợi từ việc nhập khẩu nhanh hơn cho phép nước này mua khi giá vẫn còn thấp.
Giảm các rào cản thương mại cũng có thể giúp Indonesia đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu để phòng ngừa rủi ro thương mại nếu các quốc gia khác quyết định ngừng xuất khẩu./.