Ngăn bạo lực học đường: Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Theo các chuyên gia giáo dục, việc xây dựng môi trường học đường thân thiện, để trường học giống như ngôi nhà thứ hai và mỗi ngày đến trường là một ngày vui, sẽ góp phần giải tỏa áp lực của học sinh.
Ngăn bạo lực học đường: Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui ảnh 1Nữ sinh ở Quảng Trị bị nhóm bạn đánh hội đồng rồi quay video phát tán lên mạng xã hội.

Bạo lực học đường là một vấn đề nóng, thậm chí nhức nhối hiện nay. Đối với một số học sinh, mỗi ngày đến trường không còn là một ngày vui mà thay vào đó là nỗi lo sợ.

Bạo lực học đường không chỉ làm ảnh hưởng mà còn có nguy cơ làm biến dạng môi trường sư phạm. Vậy làm thế nào để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này?

Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường

Vừa qua, vụ việc một nữ sinh lớp 10 của Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử tại nhà riêng đã gây xôn xao dư luận. Người nhà nữ sinh cho rằng nữ sinh này bị ức chế do bạo lực học đường.

Theo bài viết trên Facebook, mẹ của nữ sinh đã từng đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm đến cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Tuy nhiên, nhà trường không cho nữ sinh chuyển lớp và hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm. Phụ huynh tạm yên tâm theo lời nhà trường và động viên con hằng ngày nhưng sau đó, sự việc đau lòng vẫn xảy ra.

Một vụ việc đáng tiếc khác xảy ra tại Nam Định khi nam sinh bị bạn đâm tử vong.

Do mâu thuẫn từ trước trên mạng xã hội, sáng 8/5, tại Trường Trung học Phổ thông An Phúc, Nguyễn Phú Cường (sinh năm 2005, trú tại xã Hải Giang, huyện Hải Hậu, học sinh lớp 12C6) đã dùng tay tát Đỗ Hoàng Anh Phúc (sinh năm 2006, trú tại xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, học sinh lớp 11B6), bạn học cùng trường.

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Nguyễn Phú Cường được bạn học chở về nhà. Khi Cường đi đến địa phận xóm 4, xã Hải Phong, huyện Hải Hậu thì bị Đỗ Hoàng Anh Phúc cùng nhóm bạn 4 người, đều là học sinh Trường Trung học Phổ thông An Phúc chặn lại đánh.

Bị đánh, Cường đã lấy một thanh kim loại tự chế dài khoảng 13cm, đầu được mài nhọn để chống trả. Hậu quả Đỗ Hoàng Anh Phúc bị đâm vào vùng ngực, tử vong trên đường đi cấp cứu.

Vào cuối tháng Tư vừa qua, trên mạng xã hội cũng lan truyền video ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị các bạn nữ khác đánh hội đồng, làm nhục, quay video và phát tán lên mạng.

Qua xác minh của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, vào ngày 24/4, giữa giờ nghỉ các tiết học, em H.T.N. (học sinh lớp 8E Trường Trung học Cơ sở thị trấn Gio Linh) và bạn ra quán tạp hóa ở cổng sau trường để uống nước.

Tại đây, các em đã gặp 4 học sinh lớp 8C Trường Trung học Cơ sở thị trấn Gio Linh và 2 học sinh khác của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Gio Linh.

Do có mâu thuẫn từ trước, số học sinh này đã vào nhà vệ sinh Trường Trung học cơ sở thị trấn Gio Linh để đánh, làm nhục học sinh H.T.N, đồng thời quay lại video phát tán trên mạng xã hội.

Vụ việc đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Tại Thanh Hóa, theo báo cáo của Trường Trung học Cơ sở Thọ Sơn, xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, khoảng 8 giờ ngày 18/3, tại phòng học lớp 9B của trường, học sinh N.V.A (15 tuổi) đã bất ngờ dùng dao chuẩn bị trước đâm 2 nhát vào sườn trái của L.X.T (15 tuổi, bạn cùng trường) đang ngồi học trong lớp.

Hậu quả, nam sinh T bị trọng thương, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Ngăn bạo lực học đường: Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui ảnh 2Nữ sinh lớp 6 ở Thanh Hóa bị đánh hội đồng trước sự thờ ơ của những em học sinh khác.

Trước đó, khoảng giữa tháng 2/2023 xuất hiện 3 đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng, trong đó có 2 đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng tại một bãi đất trống, một đoạn clip dài hơn 11 phút ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh tại nhà riêng.

Nội dung các đoạn clip đều ghi lại cảnh một nữ sinh bị nhóm bạn liên tục túm tóc, lột đồ, đánh dã man... kèm theo đó là nhiều câu văng tục, chửi thề... mặc cho nữ sinh này quỳ gối, gào khóc, van xin thảm thiết.

Điều đáng nói là sự việc diễn ra có sự chứng kiến của nhiều học sinh, nhưng không ai can ngăn, thậm chí còn có hành động cổ vũ, hò reo, quay clip.

[Công an vào cuộc vụ nữ sinh lớp 8 ở Hà Nội bị đánh 'hội đồng']

Bạo lực học đường thậm chí còn lan cả xuống cấp tiểu học. Một học sinh nữ lớp 5 ở huyện Chương Mỹ bị nhóm bạn đánh hội đồng, quay clip đăng lên mạng xã hội.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ, học sinh bị bạn đánh tên là K.T.T, học lớp 5D, Trường Tiểu học Mỹ Lương.

Do mâu thuẫn trước đó giữa K.T.T với 3 bạn nữ cùng lớp gồm P.T.H, N.T.N và N.P.T, ngày 29/4, bốn học sinh này hẹn gặp nhau ở Nhà văn hóa thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ.

Tại đây, học sinh K.T.T đã tự cởi áo để mong các bạn tha lỗi. Lúc đó, một học sinh trong nhóm đã dùng điện thoại để quay lại sự việc.

Làm thế nào để hạn chế bạo lực học đường?

Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết chỉ tính riêng trong năm học 2021-2022, cả nước có 386 vụ bạo lực học đường với 1.161 đối tượng liên quan, trong đó liên quan đến 935 học sinh.

Theo ông Việt, ngành giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đã và đang nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhưng thực tế vẫn đang còn một số nơi chưa quan tâm đúng mức trong quá trình triển khai thực hiện.

Thực tế, đạo đức của một số bộ phận học sinh còn hạn chế. Công tác giáo dục kỹ năng sống ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đạt yêu cầu, xuất hiện tình trạng bạo lực, gây gổ trên không gian mạng dẫn đến bạo lực ở ngoài đời thực.

Bạo lực học đường cũng thành chủ đề nóng trong một phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), đây là vấn đề cử tri cả nước đều rất mong muốn cần sớm có giải pháp giải quyết triệt để.

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, ai cũng từng trải qua giai đoạn là học sinh, ai cũng muốn hòa đồng với các bạn, muốn được động viên, muốn được thể hiện bản thân. Các học sinh có học lực yếu thường có xu hướng bạo lực. Do vậy, lý do chính để các cháu quậy phá là muốn được mọi người biết đến mình.

Từ nguyên nhân trên, đại biểu cho rằng thầy cô và gia đình cần quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng để học sinh phát huy được khả năng sở trường của mình. Ngành giáo dục cần có quy chế tạo điều kiện cho các học sinh có cơ hội - dù là hoạt động cá nhân hay trong nhóm - được xuất hiện thường xuyên, mỗi tháng một lần trước lớp, mỗi năm một lần trước trường để thể hiện bản thân, để được hòa nhập và thỏa mãn mong muốn được công nhận… như vậy, sẽ giảm bớt xu hướng bạo lực trong học sinh. Điều này giúp cho học sinh có thêm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước đám đông, giúp hình thành thói quen tốt trong làm việc nhóm, sau này là tuân thủ thời gian làm việc, tôn trọng ý kiến đã thống nhất, đặt lợi ích chung lên trước để đạt mục tiêu.

Trong khi đó, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận), vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại ngày càng tăng. Số liệu qua báo cáo của các ngành đã cho thấy số lượng bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại đang tăng cao so với giai đoạn trước đây. Cho rằng đây là vấn đề cần sớm được giải quyết, đại biểu kiến nghị các bộ, ngành tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn “Điều em muốn nói” về chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam nhìn nhận bạo lực học đường không mới nhưng không bao giờ cũ. Nó ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, đạo đức của học sinh, giáo viên, đạo đức xã hội. Vì vậy, trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường không chỉ của riêng ngành giáo dục.

Ông đề nghị cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, tăng cường công tác tham vấn học đường và giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội.

Ngăn bạo lực học đường: Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui ảnh 3Poster tại một trường học ở Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, tâm lý của lứa tuổi học sinh khá phức tạp, hơn nữa các em còn chịu tác động của nhiều yếu tố đa chiều từ môi trường sống, gia đình, bạn bè, mạng xã hội. Vì vậy, các trường phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm trong việc chia sẻ, động viên, nắm bắt tâm tư tình cảm, diễn biến tâm lý để kịp thời định hướng tư tưởng cho học sinh.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc xây dựng môi trường học đường thân thiện, để trường học giống như ngôi nhà thứ hai và mỗi ngày đến trường là một ngày vui, sẽ góp phần giải tỏa các áp lực trong học tập, cuộc sống của học sinh. Đây là giải pháp hiệu quả để đẩy lùi những vấn đề tiêu cực xảy ra trong môi trường học đường.

Về lâu dài, một môi trường học đường lành mạnh, đẩy lùi vấn nạn "bắt nạt học đường" luôn cần sự chung tay của bố mẹ, nhà trường và cả xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục