Họa sỹ Ngọc Linh vừa ra mắt ấn phẩm độc đáo mang tên “Hà Nội tôi yêu,” bao gồm những bức tiểu họa về phong cảnh Hà Nội mà ông đã rong ruổi khắp nẻo đường để trực họa từ 30 năm trước.
Ngày 5/10, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và gia đình họa sỹ đã tổ chức buổi ra mắt cuốn sách này.
Cuốn sách in song ngữ Việt-Anh, mang tới cho độc giả yêu nghệ thuật, yêu Thủ đô một “Hà Nội thu nhỏ bỏ túi” với tuyển tập gần 140 bức tranh tiểu họa về phong cảnh, phố xá Hà Nội được vẽ vào năm 1991.
Điểm đặc biệt của bộ tiểu họa này là họa sỹ Ngọc Linh trực hoạ bằng chất liệu sơn dầu trên bề mặt bé xíu của những tờ xổ số tiết kiệm in trên giấy lụa sót lại cuối ngày.
Các tác phẩm có 2 kích thước 7 x 10cm và 10 x 14cm (2 tờ ghép lại), họa sỹ Ngọc Linh đóng thành một quyển ký hoạ nhỏ vừa lòng bàn tay, cùng với chiếc xe đạp mini và bộ đồ vẽ xinh xinh, rong ruổi bát phố và vẽ lại những góc nhỏ thân quen của Hà Nội.
[Tranh vẽ gánh hàng rong Hà Nội giành giải nhất cuộc thi ''Hà Nội là'']
Theo lời họa sỹ, ông vẽ bộ tiểu họa này không phải vì thiếu thốn họa phẩm mà là tự đặt ra một thử thách cho việc thực hành hội họa của mình. Đó là vẽ trực hoạ bằng chất liệu sơn dầu trên khuôn khổ nhỏ mà vẫn đảm bảo được từng chi tiết của chủ thể, mà lại không mất đi hồn cốt phóng khoáng, tươi trẻ, phong cách đặc trưng của Ngọc Linh.
Đánh giá về bộ tiểu họa này, họa sỹ Trịnh Lữ cho rằng đây là những tác phẩm tiêu biểu nhất cho bản chất “dân gian đương đại” của Ngọc Linh. Hà Nội đã có “Phố Phái” - liêu xiêu như những vần thơ u uẩn. Hà Nội giờ lại có “Phố Linh” - tung tăng như những khúc hát đồng dao.
“Thật đúng chất Ngọc Linh. Cái gì yêu mến thì vẽ. Vẽ như chơi. Mà càng vẽ càng mê. Hà Nội may mắn có một họa sỹ như ông. Hình như chỉ có ông, với một tâm thức sáng tạo tươi trẻ tràn đầy tình yêu cuộc sống, mới nhìn và vẽ Hà Nội như ở bộ tiểu hoạ này,” họa sỹ Trịnh Lữ cảm thán.
Ông Lữ cho rằng chẳng cần phải hiểu biết gì về hội hoạ, người xem cũng sẽ xúc động trước những bức tiểu hoạ lạ lùng này.
“Vì chúng có vẻ đẹp ngây thơ mà sâu nặng, trong sáng mà thâm trầm, kỹ lưỡng mà phóng khoáng, với những bất ngờ khiến bạn phải bật cười sung sướng,” họa sỹ Trịnh Lữ nhận xét.
Với họa sỹ Ngọc Linh, những bức tiểu họa này chính là nguồn cảm hứng sâu đậm và là tư liệu độc đáo để ông sáng tác hơn 160 bức tranh phái sinh với nhiều kích cỡ và chất liệu khác nhau cho cuộc triển lãm “Hà Nội tôi yêu” năm 1995.
Đến bây giờ ông mới ra mắt bộ tiểu họa này với mong muốn người xem có thể lưu giữ để thưởng thức ở bất kỳ đâu, cùng với một tình yêu thiết tha dành cho Hà Nội./.
Họa sỹ, Nghệ sỹ Ưu tú Ngọc Linh (tức Vi Văn Bích) sinh năm 1930, là người dân tộc Tày. Ông là một trong 22 học sinh tại khoá Mỹ thuật Kháng chiến (1950-1954) được đào tạo bởi danh hoạ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn tại chiến khu Việt Bắc. Đây cũng là khoá học đầu tiên đánh dấu sự trở lại quy củ của ngôi trường Mỹ thuật Việt Nam do danh hoạ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy. Hòa bình lập lại, về Hà Nội, họa sỹ Ngọc Linh được phân công công tác tại Xưởng Phim truyện Việt Nam. Ông phụ trách mỹ thuật cho nhiều bộ phim nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, như “Vợ chồng A Phủ” (triển khai từ năm 1959, hoàn thành năm 1972, đạo diễn Mai Lộc), "Chung một dòng sông" (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Kỳ Nam, 1959), “Sao Tháng Tám” (năm 1976, đạo diễn Trần Đắc)./. |
Một số tác phẩm trong cuốn sách: