Ngắm đỉnh ngọn núi lửa New Zealand từ Trạm vũ trụ quốc tế

Bức ảnh mang số hiệu ISS065-E-415587 được phi hành gia chụp vào ngày 23/9/2021, bằng máy ảnh kỹ thuật số Nikon D5 và ống kính có tiêu cự 1150 mm
Ngắm đỉnh ngọn núi lửa New Zealand từ Trạm vũ trụ quốc tế ảnh 1Hình ảnh ngọn núi lửa Ruapehu được chụp từ ISS. (Nguồn: NASA)

Khi đang di chuyển ngang qua khu vực Đảo Bắc của New Zealand, một phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã chụp được một bức ảnh độc đáo về núi lửa Ruapehu.

Cụ thể, bức ảnh mang số hiệu ISS065-E-415587 được phi hành gia chụp vào ngày 23/9/2021, bằng máy ảnh kỹ thuật số Nikon D5 và ống kính có tiêu cự 1150 mm. Hình ảnh sau đó đã được chỉnh sửa và nâng cao chất lượng thông qua việc cải thiện độ tương phản và độ nét.

Ảnh đã mang tới một cái nhìn trọn vẹn, từ trên cao xuống, về toàn cảnh ngọn núi và cả Công viên Quốc gia Tongariro ở cạnh đó. Ruapehu là một ngọn núi lửa dạng tầng vẫn đang hoạt động, có độ cao 2,797 m. Đây là ngọn núi cao nhất Đảo Bắc của New Zealand.

Gần đỉnh núi là hồ Crater (tên địa phương Te Wai ā-moe). Hồ này được gia nhiệt liên tục thông qua một hệ thống thủy nhiệt nằm trong lòng núi. Vì thế, nó luôn ấm quanh năm, với nhiệt độ trung bình dao động từ 15 đến 45 độ C. Tuy nhiên do là hồ nằm trên một ngọn núi lửa nên nước có nồng độ axít cao (độ pH <1). Độ nóng trong hồ thường dao động trong phạm vi nhiệt độ kể trên. Vì vậy, nhiệt độ tăng đột biến kéo dài có thể là dấu hiệu cho thấy hoạt động núi lửa sắp xảy ra.

Bởi hồ Crater là phần duy nhất của ngọn núi lửa mà người ta có thể thấy những thay đổi trên bề mặt nên mọi biến động về nhiệt độ nước trong hồ hay lượng khí thải đều là các chìa khóa để phát hiện khi nào ngọn núi sắp có các hoạt động phun trào.

Sau một khoảng thời gian tạm ngừng hoạt động kể từ năm 2011, núi lửa Ruapehu đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy nó sắp phun trào trở lại vào năm 2022. Đơn cử như một số rung chấn với mức độ vừa đã xảy ra vào tháng 3 năm nay. Thay đổi này khiến các chuyên gia phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ hoạt động núi lửa gia tăng.

Ngắm đỉnh ngọn núi lửa New Zealand từ Trạm vũ trụ quốc tế ảnh 2Phi hành gia Mỹ sử dụng máy ảnh số trên ISS. (Nguồn: NASA)

Họ cũng tiến hành việc đo nhiệt độ hồ định kỳ và thu các mẫu phát thải khí sulfur dioxide để theo dõi các biến động. Tháng 5/2022, nhiệt độ nước hồ đã đạt đỉnh khoảng 40 độ C, nhưng sau đó lại hạ xuống 24 độ C trong những tháng tiếp theo. Tháng 7 vừa qua, nhiệt độ và lượng khí thải của hồ đã giảm xuống mức đủ để hạ thấp cảnh báo.

Trong thời kỳ Ruapehu bộc lộ dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại, một sự xâm nhập của nham thạch đã được phát hiện bên dưới ngọn núi. Sự xâm nhập này cho thấy nham thạch đang tích tụ và tăng lên tại khu vực phía dưới núi lửa. Nhưng vì lý do nào đó, hiện tượng này đã dừng lại.

Chính từ việc nham thách dâng lên dưới hồ Crate mà các nhà khoa học đã cho rằng sẽ có một đợt phun trào mới từ núi Ruapehu.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục