Thừa nhận lợi ích của dịch vụ khai nộp thuế điện tử nhưng một số doanh nghiệp vùng cao vẫn tỏ ra e ngại với hình thức này bởi những lý do có thể không phải là lớn với doanh nghiệp ở thành phố lớn.
“Nửa đêm nộp thuế cũng được”
Ông Phạm Văn Quyết, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn số 10 Lai Châu (Lai Châu) nhẩm tính, doanh nghiệp ông đã thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử từ năm 2013 và dịch vụ này được ông cho là “cải cách rõ rệt.”
“Trước đây dùng bản kê thủ công có thể mất 3 ngày nhưng bây giờ chỉ mất vài tiếng,” ông Quyết tính toán.
Cũng theo ông, vài năm trước, doanh nghiệp tới kỳ nộp thuế phải tới ngân hàng và “thường cuối tuần là khó.” Tuy nhiên, hiện tại, vị lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn số 10 Lai Châu cười bảo “tôi vẫn trêu anh em là bây giờ nộp thuế nửa đêm cũng được.
[Người cho thuê nhà cả nước có thể ngồi nhà nộp thuế qua điện thoại]
Là người trực tiếp tham gia trong từ khâu kê khai tới nộp thuế của công ty, ông Vũ Thanh Sơn, Kế toán trưởng Công ty Xăng dầu Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cũng thừa nhận, những cải cách thủ tục hành chính thuế trong đó dịch vụ nộp thuế điện tử khiến công việc của ông nhẹ nhàng hơn nhiều.
Vấn đề theo ông là khi kê khai nộp thuế điện tử, người nộp thuế sẽ hạn chế đi lại và tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế, điều này không những giúp tiết kiệm thời gian mà còn tạo sự tiện lợi.
“Trước đây, có khi giám đốc đi vắng không ký được lại phải đợi sang ngày hôm sau, tiền giữ lại lại phải báo cáo tập đoàn,” ông Sơn nói.
Tuy vậy, vấn đề vướng theo ông Sơn là chương trình phần mềm thuế thường thay đổi, cập nhật và có khi bản cập nhật lại không tương thích với hệ điều hành của máy tính tại doanh nghiệp. Mặc dù nhận được sự giúp đỡ từ phía ngành thuế ngay sau đó nhưng ông Sơn cũng bày tỏ mong muốn chương trình giữ được sự ổn định trong thời gian dài hơn.
Có doanh nghiệp vẫn thích… giấy
Tiện lợi rõ ràng là có nhưng một số doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi lại có không ít tâm tư với dịch vụ nộp thuế điện tử.
Thí điểm dịch vụ nộp thuế điện tử từ tháng 6/2014 nhưng tới hiện tại, ông Đặng Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sơn La thống kê, hiện mới có chỉ tiêu về tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đạt yêu cầu là 95% số doanh nghiệp trên địa bàn.
Hai tiêu chí khác theo yêu cầu của ngành thuế là số lượng chứng từ nộp thuế điện tử và số tiền thực nộp vào ngân sách Nhà nước bằng hình thức điện tử theo lãnh đạo ngành thuế tỉnh Sơn La hiện vẫn chưa chạm tới con số 95%.
Thừa nhận nguyên nhân một phần do địa hình chia cắt, liên lạc khó khăn nhưng chính ông Hưng cũng không ngần ngại nêu lên thực tế còn một số doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà, mặc cho cơ quan chức năng đã vận động tuyên truyền.
Vấn đề theo ông là các doanh nghiệp khi tham gia nộp thuế điện tử sẽ phải bỏ khoản chi phí khoảng 1 triệu đồng mỗi năm cho nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số.
Khoản tiền này theo vị Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sơn La ban đầu là 1,5 triệu đồng. Sau khi cơ quan thuế làm việc với các nhà cung cấp, mức giá được giảm bớt còn khoảng 1 triệu đồng mỗi năm. Tuy vậy, ông thừa nhận, số tiền này vẫn khiến một số doanh nghiệp tại Sơn La ngần ngại.
Vấn đề tương tự cũng xuất hiện ở một tỉnh khu vực Tây Bắc khác là Điện Biên. Ông Bùi Mạnh Chuyển, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Điện Biên nêu lên câu chuyện ở địa phương mình rằng, do số lượng doanh nghiệp không nhiều như ở các thành phố lớn nên người nộp thuế hầu như không phải xếp hàng, đợi chờ để nộp thuế.
Chính vì không có áp lực về thời gian nên không ít doanh nghiệp cho rằng, việc thực hiện dịch vụ bằng giấy như truyền thống cũng không tốn nhiều thời gian và có khi… còn nhanh hơn điện tử.
“Có khi người ta đến 2-3 phút gửi tờ khai là xong nên khi triển khai thuế điện tử cũng có khó khăn, doanh nghiệp phải đăng ký chữ ký số, hàng năm mất phí hơn 1 triệu đồng, một năm có 4 quý, tức là gần 300.000 đồng mỗi tờ khai nên họ không mặn mà,” ông Chuyển lên tiếng.
Nói về kinh nghiệm tại địa phương mình, một trong những nơi có tỷ lệ doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử cao, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Tin học, Cục Thuế tỉnh Lai Châu cho rằng, nếu doanh nghiệp không dùng dịch vụ nộp thuế điện tử thì không có chế tài bởi vậy “không gì bằng sự ủng hộ từ phía doanh nghiệp.”
Vấn đề theo ông là không để nhiệm vụ này “một mình ngành thuế độc lập tác chiến” mà cần có sự tham gia vận động của chính quyền. Ngoài ra, ngay trong nội tại ngành thuế, ông Tuấn kể kinh nghiệm phối hợp tốt giữa các phòng và dịch vụ liên quan.
“Với doanh nghiệp mới thành lập, họ bộ phân tuyên truyền là được hướng dẫn luôn. Chúng tôi gọi các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số sang ngay, chúng tôi cũng kết hợp ngay với phòng tin học để hướng dẫn cho doanh nghiệp,” ông Tuấn nói./.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, hiện đã có đến 99,81% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng và đã có tỷ lệ 98,71% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch nộp thuế điện tử.Tính đến ngày 23/10, ngành thuế đã có 6.800 doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ hoàn thuế điện tử và đã giải quyết 3.610 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử với tổng số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn theo phương thức điện tử là 20.282 tỷ đồng.