Nga - Yếu tố then chốt trong chính sách Á-Âu của Ấn Độ

Nga đang nắm giữ “chiếc chìa khóa” để Ấn Độ xây dựng một cách tiếp cận toàn diện đối với các thách thức an ninh quốc gia - cả trên bộ và trên biển.
Nga - Yếu tố then chốt trong chính sách Á-Âu của Ấn Độ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Istock)

Theo trang mạng eurasiareview.com, dù được định nghĩa thế nào, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Bộ Tứ vẫn là những ý tưởng hàng hải.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi mục tiêu xuyên suốt của những cấu trúc này là “đối trọng” Trung Quốc.

Đối với Ấn Độ, sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương (IOR) là một điều đáng lo ngại, nhưng điều khiến Ấn Độ khó chịu hơn là những tranh chấp trên bộ dọc theo biên giới phía Bắc, vốn trở nên căng thẳng trước các động thái gây hấn của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Với Trung Quốc, “đồng minh trong mọi hoàn cảnh” Pakistan đã đưa sông Sir Creek, vùng lãnh thổ Kashmir mà Pakistan kiểm soát (POK) và cả vùng POK chiếm đóng trái phép tham gia Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một phần trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), lên vị trí ưu tiên.

Hai quốc gia cùng thù địch với Ấn Độ rõ ràng đang tạo ra một “thế gọng kìm,” nhằm kiềm chế Ấn Độ trong khuôn khổ IOR, hay nói cách khác là “chiếc hộp Nam Á.”

Sáng kiến BRI

“Vành đai kinh tế” của BRI đi qua trung tâm lục địa Á-Âu, trong khi “con đường” hàng hải chạy qua Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khiến tuyến đường này có thể được xem như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang đặc sắc Trung Quốc.

[Ấn Độ đang thu hẹp khoảng cách địa chính trị với Nga]

Về mặt chính sách, BRI chú trọng đến cả hai khía cạnh lục địa và hàng hải, vì vậy sáng kiến này nhắm đến nhiều mục tiêu. Cũng vì lẽ đó, Ấn Độ không thể giải quyết xung đột tại Đông Ladakh và các vùng biên giới phía Bắc mà bỏ qua IOR hay Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và ngược lại.

Lục địa Á-Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Một số nhà quan sát cho rằng lục địa Á-Âu là ngã giao của châu Âu và châu Á. Nga là cường quốc Á-Âu nguyên mẫu với đối trọng là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Giống như tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực này hiện cũng đang chứng kiến sự bành trướng của Trung Quốc về phía Tây, thay thế Nga, lấy BRI làm vỏ bọc để tìm cách thiết lập lại trật tự thế giới ở cả châu Âu và Tây Thái Bình Dương.

Như một số nhà tư tưởng lưu ý, Ấn Độ là một trong số ít các cường quốc nằm trên vùng giao nhau của lục địa Á-Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - hai khu vực có vai trò định hình thế kỷ XXI, cũng như liên quan mật thiết đối với sự phát triển và an ninh của Ấn Độ.

Ngay cả khi New Delhi hợp tác với Washington về vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (bất chấp hoạt động “tự do hàng hải” trái phép mà Hạm đội 7 của Mỹ triển khai gần đây ở ngoài khơi quần đảo Lakshadweep), Nga vẫn là đối trọng không thể xem thường. Hiện tại, Nga không còn là quốc gia yếu ớt của thời “hậu Liên Xô tan rã.”

Quốc gia này đã khôi phục phần lớn sức mạnh quân sự và đủ tự tin để sử dụng tiềm lực đó làm đòn bẩy địa chính trị.

Cán cân quyền lực trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không còn được chia cho Mỹ và Trung Quốc. Ấn Độ cần nhớ rằng Nga đã tham gia vào cuộc cạnh tranh này.

Hợp tác giữa Nga và Trung Quốc ở Thái Bình Dương là điều đáng để tâm dù đây một số người xem đây là “mối quan hệ thực dụng.”

Chính sách của Nga nhằm phát triển quan hệ hữu nghị với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương cũng mang màu sắc tương tự. Chính sách này được thúc đẩy nhờ “quan hệ đối tác đặc biệt và đặc quyền” giữa Nga và Ấn Độ, điều được kiểm chứng qua thời gian và thử thách. Vì vậy, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Nga có đứng về phía Ấn Độ hay không?

Chiến lược địa chính trị của Nga

Trước câu hỏi về việc liệu Moskva sẽ hành xử thế nào nếu buộc phải lựa chọn, cố vấn chính sách kinh tế và đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin Sergei Karagnov nói rằng: “Nếu bạn cần sự giúp đỡ từ Nga với tư cách là phe trung gian, chúng tôi có thể giúp đỡ. Nhưng chúng tôi sẽ không đứng về phía nào cả. Chúng tôi sẽ không vì Trung Quốc hay Ấn Độ mà gây phương hại cho lợi ích của Nga… Một số người sẽ nói rằng Nga gần như là anh em ruột thịt với Trung Quốc… Chúng tôi trông giống như hai đồng minh, bởi Mỹ đã chọn cách kiềm chế cả Nga và Trung Quốc… Chúng tôi cũng có rất nhiều lợi ích chung. Nhưng Nga không thể là anh em với bất kỳ ai và chưa bao giờ như vậy - từ những hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn đến Napoléon và Hitler, chúng tôi từng đánh bại tất cả họ.”

Mặt khác, là một đối tác chiến lược của Mỹ, Ấn Độ cần phải hiểu rằng có hai mâu thuẫn mà Mỹ phải đối mặt - một ở châu Âu, giữa Nga và NATO/Liên minh châu Âu (EU) về chiến lược mở rộng sang phía Đông của EU, về vấn đề Ukraine, Chương trình phòng thủ tên lửa châu Âu; và mâu thuẫn thứ còn lại ở Tây Thái Bình Dương, giữa Trung Quốc và Mỹ (cùng các đồng minh châu Á).

Thử thách “đi dây” của Ấn Độ

Đối với New Delhi, Ấn Độ Dương vẫn là vấn đề căn bản đối với Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ phải tìm câu trả lời cho câu hỏi mang tính quyết định ở mọi giai đoạn: Trong trường hợp cần thiết, liệu Mỹ có đủ nguồn lực và ý chí chính trị để hỗ trợ Ấn Độ tại IOR hoặc các khu vực khác, bao gồm cả các vùng biên giới phía Bắc nước này hay không?

Không chỉ mối quan hệ đối tác của New Delhi với Washington ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, “quan hệ đối tác đặc biệt và đặc quyền” của Ấn Độ với Nga cũng ảnh hưởng đến lục địa Á-Âu, do những khác biệt quan trọng về nhận thức giữa nước này với Mỹ trong việc đánh giá ma trận an ninh khu vực, nhất là khi xét đến bối cảnh quan hệ hiện tại giữa Ấn Độ với Iran và Nga.

Quan hệ đối tác giữa Moskva với Bắc Kinh trong các dự án kết nối ở lục địa Á-Âu, cũng như mối quan hệ của hai nước này tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương càng gây xáo trộn các nhận thức của Mỹ.

Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các yếu tố đang thuận lợi hơn nhiều cho Ấn Độ, nhưng Á-Âu lại là một mặt trận hoàn toàn khác. Dù muốn hay không, sự xoay trục của Ấn Độ sẽ chịu ảnh hưởng từ sức mạnh của Nga, dù mối quan hệ gần đây có nhiều căng thẳng. Sự khéo léo trong ngoại giao là yếu tố tiên quyết để Ấn Độ khắc phục tình trạng này.

Dù đúng hay sai, Ấn Độ cần một câu trả lời thiết thực hơn. Và rõ ràng Nga đang nắm giữ “chiếc chìa khóa” để Ấn Độ xây dựng một cách tiếp cận toàn diện đối với các thách thức an ninh quốc gia - cả trên bộ và trên biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục