Nga xác định lợi ích, nhiệm vụ trong thế giới biến động

Các chuyên gia hàng đầu Nga đã công bố báo cáo "Những thay đổi mang tính dài hạn trong hệ thống chính trị thế giới và lợi ích của Nga."
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại St. Petersburg, Liên bang Nga, ngày 4/9, các chuyên gia hàng đầu nước này đã công bố báo cáo "Những thay đổi mang tính dài hạn trong hệ thống chính trị thế giới và lợi ích của Nga."

Báo cáo, do một nhóm chuyên gia thuộc Khoa Chính trị thế giới của trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva (MGU) thực hiện, liệt kê những biến động lớn trong hệ thống chính trị và kinh tế thế giới, có ý nghĩa to lớn đối với lợi ích của Nga, đồng thời, đưa ra phân tích, dự báo về sự thay đổi tình hình thế giới, trong đó tính đến cả lợi ích và nhiệm vụ của Nga trong thế giới đang biến động không ngừng.

Theo hãng tin Itar-Tass, báo cáo trên dự báo về vai trò ngày càng tăng của các nước châu Á, trước hết là Trung Quốc và Ấn Độ, trong nền kinh tế thế giới.

Báo cáo lưu ý tới khả năng gia tăng nguy cơ xung đột trong quan hệ giữa hàng loạt nước trong khu vực này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự, trong bối cảnh các quốc gia hạt nhân ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, hiện đang tích cực hoàn thiện kho vũ khí tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của mình.

Báo cáo cũng nêu rõ thời kỳ Mỹ độc chiếm ngôi đầu trong danh sách siêu cường trên trường quốc tế không còn kéo dài.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 15-20 năm tới, với tiềm năng khoa học-kỹ thuật tiên tiến nhất, và là quốc gia đứng đầu về chi phí quân sự, chiếm 43% tổng chi phí này trên toàn cầu.

Theo báo cáo, trong lĩnh vực kinh tế, trước thách thức từ Trung Quốc, Mỹ đang nỗ lực hết sức để thiết lập hai liên minh lớn, gồm Đối tác đầu tư-thương mại xuyên Đại Tây Dương với sự tham gia của Liên minh châu Âu (EU), và Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, với sự tham gia của nhiều nước có quan hệ liên minh với Washington theo những phương án khác nhau.

Điều này rõ ràng động chạm đến lợi ích của Mátxcơva trong chính sách hướng đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo nhấn mạnh quan hệ Nga và Mỹ cần phải được xem xét trên cơ sở tính tới vai trò ngày càng tăng của các nước như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như hàng loạt các quốc gia đang phát triển khác trên trường chính trị thế giới.

Báo cáo cũng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối với Nga, thể hiện qua việc Mátxcơva tích cực thúc đẩy chính sách hướng Đông, cũng như thực hiện nhiệm vụ do Tổng thống Nga đề ra nhằm phát triển nhanh khu vực Đông Siberia và Viễn Đông. Dự kiến, đến năm 2030, Nga cần đầu tư gần 600 tỷ USD để phát triển các khu vực này.

Cuối cùng, giới chuyên gia Nga nhận định một trong những lợi ích chủ chốt của Nga là bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trước hết bằng cách thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế nhằm phát triển các ngành có hàm lượng khoa học và công nghệ cao.

Ngoài ra, để thực hiện chính sách trên, Mátxcơva cũng cần dựa vào tiềm lực quân sự, để bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia của Nga và tạo điều kiện để nước này giữ vai trò xứng đáng trong cán cân sức mạnh mới đang được hình thành trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục