Nga và Zimbabwe bác cáo buộc liên quan tới các vụ bạo loạn ở Mỹ

Ông Peskov bác bỏ tuyên bố của bà Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama giai đoạn 2009-2017, cho rằng các cuộc biểu tình bạo lực được kích động từ Nga.
Người biểu tình tập trung tại Washington D.C., Mỹ bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người biểu tình tập trung tại Washington D.C., Mỹ bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các cuộc biểu tình bạo loạn đang diễn ra ở Mỹ là vấn đề nội bộ của Washington, đồng thời khẳng định Moskva không can dự vào những sự kiện này.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov nhấn mạnh: "Chúng tôi đang theo dõi rất kỹ lưỡng sự việc đang diễn ra ở Mỹ. Nhưng mọi thứ đang diễn ra ở đó là công việc nội bộ của Mỹ. Chúng tôi không bao giờ can thiệp vào các công việc của Mỹ."

Ông cũng bác bỏ tuyên bố của bà Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama giai đoạn 2009-2017, cho rằng các cuộc biểu tình bạo lực được kích động từ Nga.

Quan chức này khẳng định bất kỳ suy đoán nào như trong tuyên bố của bà Rice là "hoàn toàn sai" và không phản ánh lập trường chính thức của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

[Mỹ: Tổng chưởng lý bang Minnesota chỉ đạo truy tố vụ George Floyd]

Cùng ngày, Chính phủ Zimbabwe thông báo đã triệu Đại sứ Mỹ Brian Nichols liên quan đến phát biểu của một quan chức cấp cao Mỹ cáo buộc quốc gia châu Phi này kích động cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc liên quan cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của hãng tin ABC ngày 31/5, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã ám chỉ Zimbabwe lợi dụng phương tiện truyền thông xã hội để kích động bất ổn tại Mỹ.

Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Zimbabwe James Manzou cho hay Đại sứ Mỹ Brian Nichols đã được triệu đến để giải thích phát biểu của ông O'Brien.

Mối quan hệ giữa Zimbabwe-Mỹ căng thẳng kể từ khi Washington áp đặt trừng phạt đối với cựu Tổng thống Robert Mugabe và các thành viên khác của chính phủ nước này.

Các lệnh trừng phạt này mới được Washington gia hạn hồi tháng 3 vừa qua, với lý do Tổng thống đương nhiệm Emmerson Mnangagwa thất bại trong việc thực thi cải cách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục