Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại Libya

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cân nhắc thành lập nhóm làm việc chung, và nhất trí tạo điều kiện thúc đẩy đối thoại chính trị nội bộ Libya nhằm đạt một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và bền vững.
Lực lượng ủng hộ Chính phủ do Liên hợp quốc bảo trợ tại khu vực Qasr bin Ghashir, phía Nam Tripoli, Libya ngày 4/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/7 ra tuyên bố cho biết Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tiếp tục các nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và bền vững tại Libya.

Sự đồng thuận trên đạt được trong một cuộc hội đàm ở Ankara.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ dẫn tuyên bố chung sau cuộc họp cho biết tại hội đàm, hai bên cũng cân nhắc thành lập một nhóm làm việc chung, và nhất trí tạo điều kiện thúc đẩy đối thoại chính trị nội bộ Libya, đồng thời kêu gọi các bên có biện pháp nhằm đảm bảo sự tiếp cận an toàn của các nhân viên nhân đạo để phân phát hỗ trợ khẩn cấp cho những người đang cần được trợ giúp.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã thảo luận riêng rẽ với người đồng cấp Pháp và Đức về những diễn biến gần đây tại Libya, cũng như tầm quan trọng của một thỏa thuận ngừng bắn cũng như một thỏa thuận chính trị cho Libya.

[Mỹ, Pháp, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách giảm căng thẳng tại Libya]

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Hafez cho biết ông Shoukry đã tái khẳng định rằng Ai Cập ưu tiên cho nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn và một giải pháp giữa những người dân Libya dựa trên các cuộc đàm phán để thúc đẩy sự thống nhất lãnh thổ Libya, loại bỏ các nhóm khủng bố và phiến quân.

Hiện tại Libya đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng.

Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đang hoạt động ở thủ đô Tripoli.

Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ.

Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA.

Ngày 21/7, Quốc hội Ai Cập đã “bật đèn xanh” cho Tổng thống El-Sisi triển khai binh sỹ ở bên ngoài lãnh thổ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, được cho là nhắm đến nước láng giềng Libya trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào tình hình ở nước này.

GNA, với sự hậu thuẫn của Ankara, đang mở rộng phạm vi kiểm soát ở nước này, đặc biệt là các cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát thành phố biển Sirte, bước đi mà Cairo coi là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia.

Thành phố này và căn cứ quân sự Jufra hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của LNA.

Số liệu thống kê mới nhất của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cho thấy hơn 16.000 người Libya đã phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc đụng độ giữa GNA và LNA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục