Nga và Ireland kêu gọi các bên trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran

Sau khi Tổng thống Joe Biden đắc cử tháng 11/2020, Washington cùng với Tehran và các bên châu Âu (gồm Anh, Pháp, Đức) đã tìm cách cứu vãn thỏa thuận.hạt nhân Iran.
Nga và Ireland kêu gọi các bên trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Các máy li tâm tại cơ sở hạt nhân Nantanz của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/3, Nga kêu gọi Washington và Tehran hợp tác để trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), trong bối cảnh các bên tham gia ký kết đều đang nỗ lực cứu thỏa thuận này.

Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Abu Dhabi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: "Để giải quyết nhiệm vụ khẩn cấp này, chúng tôi tin rằng hai bên Mỹ và Iran hoàn toàn có thể phối hợp thực hiện các bước đồng thời, theo từng giai đoạn. Nếu tranh cãi về việc bên nào phải trở lại tuân thủ thỏa thuận trước thì cuộc mặc cả này có thể kéo dài mãi."

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cũng kêu gọi can dự với tất các bên tham thảo thuận hạt nhân Iran để xây dựng lòng tin nhằm khôi phục thỏa thuận này.

Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA), ông Coveney nhấn mạnh điều cần thiết bây giờ là "đưa ra sự tái bảo đảm cho Iran và các bên khác" để JCPOA có thể tiến triển trong môi trường chính trị hiện nay.

Theo ông, thách thức đối với các chính trị gia và những người ra quyết định ở cấp cao tại các nước chủ chốt có liên quan là tìm biện pháp xây dựng đủ lòng tin cho các cuộc đàm phán tiếp tục. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ này sẽ không dễ, tuy nhiên hiện có cơ hội và không được để mất.

[Nga sẵn sàng hợp tác với các bên để khôi phục đầy đủ JCPOA]

Thỏa thuận JCPOA ký giữa nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Iran năm 2015, trong đó đề xuất dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lại việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của mình và đảm bảo không tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nhưng thỏa thuận đã rơi vào thế "ngàn cân treo sợi tóc" kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi văn kiện này năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt với Tehran.

Sau khi Tổng thống Joe Biden đắc cử tháng 11/2020, Washington cùng với Tehran và các bên châu Âu (gồm Anh, Pháp, Đức) đã tìm cách cứu vãn thỏa thuận.

Ông Biden đã bày tỏ sẵn sàng làm sống lại thỏa thuận nay song nhấn mạnh Iran phải là bên đầu tiên trở lại tuân thủ các cam kết của mình. Nhưng Tehran yêu cầu Washington phải có bước đi đầu tiên bằng việc dỡ bỏ trừng phạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục