Làm lành mạnh tình hình

Nga ủng hộ giải pháp chính trị-ngoại giao tại châu Á

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Nga ủng hộ các biện pháp chính trị-ngoại giao để làm lành mạnh tình hình quân sự-chính trị châu Á.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 19/2 khẳng định Liên bang Nga ủng hộ việc làm lành mạnh tình hình quân sự-chính trị châu Á và giải quyết các bất đồng tồn tại trong khu vực này bằng các biện pháp chính trị-ngoại giao.

Lời khẳng định trên đây được xác nhận trong Quan điểm chính sách đối ngoại mới do Bộ Ngoại giao Nga đăng tải trên trang web của bộ này cùng ngày.

Quan điểm này nêu rõ vị thế của Nga tại khu vực châu Á-Thái bình dương đang ngày càng được tăng cường và điều đó đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong bối cảnh trọng tâm hoạt động chính trị và kinh tế thế giới đang dịch chuyển về khu vực này.

Nga quan tâm và tham gia tích cực các quá trình liên kết ở khu vực châu Á-Thái bình dương, sử dụng các khả năng của khu vực để thực hiện chương trình phát triển kinh tế Siberia-Viễn Đông, phấn đấu và góp phần hình thành một cơ cấu an ninh và hợp tác bình đẳng tại khu vực châu Á-Thái bình dương.

Tuy vậy, việc các nước khu vực tăng cường tiềm lực quân sự làm cho tình hình căng thẳng dễ bùng nổ và gây nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt đang đặt ra một nhu cầu bức thiết là phải làm lành mạnh tình hình quân sự-chính trị châu Á nói chung.

Nga trước sau như một ủng hộ giải pháp chính trị-ngoại giao cho tất cả những vấn đề tranh chấp trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh các nguyên tắc pháp luật quốc tế và với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Quan điểm chính sách đối ngoại mới của Nga khẳng định là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga chủ trương duy trì quy chế của năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an và tiếp tục nâng cao hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nga chủ trương thực hiện chính sách hướng tới thành lập một hệ thống quan hệ quốc tế ổn định và vững chắc dựa vào luật pháp quốc tế và các nguyên tắc bình đẳng, cùng tôn trọng nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, bảo đảm an ninh vững chắc và ngang nhau của mọi quốc gia trên thế giới về chính trị, quân sự, kinh tế, thông tin, nhân văn và trong các lĩnh vực khác.

Nga cho rằng Liên hợp quốc vẫn phải giữ vai trò trọng tâm điều tiết quan hệ quốc tế và phối hợp chính sách thế giới trong thế kỷ 21, Nga ủng hộ các nỗ lực nhằm củng cố vai trò trung tâm và phối hợp của Liên hợp quốc.

Phương hướng ưu tiên chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga là phát triển quan hệ hợp tác hai bên và nhiều bên với các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), củng cố và tăng cường hơn nữa SNG. Nga sẽ phát triển quan hệ hữu nghị với từng nước SNG trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và có tính đến lợi ích của nhau, phấn đấu cho các quá trình liên kết trong không gian SNG. Đồng thời, Nga chủ trương phát triển quan hệ đối tác chiến lược và liên minh với những nước SNG liên quan đã sẵn sàng cho mối quan hệ này.

Nga ủng hộ và coi Tổ chức "Hiệp ước an ninh tập thể" (OKDB) là hệ thống hiện đại nhằm bảo đảm an ninh trong không gian hậu Xô-Viết. Liên bang Nga coi nhiệm vụ ưu tiên là thành lập Liên minh kinh tế Âu-Á và coi liên minh này là cầu nối giữa châu Âu với khu vực châu Á-Thái bình dương. Một nhiệm vụ ưu tiên khác có tầm quan trọng to lớn là bảo vệ cộng đồng người Nga tại SNG và nước ngoài.

Quan điểm chính sách đối ngoại mới của Nga xác nhận Mátxcơva ủng hộ và chủ trương duy trì đối thoại chính trị tích cực và cùng có lợi với Liên minh châu Âu (EU), nỗ lực phấn đấu để thành lập không gian kinh tế và nhân đạo thống nhất từ Đại tây dương đến Thái bình dương.

Nga trước sau như một nỗ lực phấn đấu để đạt hòa bình và hòa giải tại tất cả các nước Trung Đông và Bắc Phi trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Nga ủng hộ việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh với Israel.

Nga tiếp tục thực hiện đường lối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho chương trình hạt nhân của Iran, cùng với Liên hợp quốc, SNG, OKDB, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và NATO phấn đấu cho giải pháp chính trị tại Afghanistan.

Quan điểm chính sách đối ngoại mới của Nga kết luận Mátxcơva coi trọng và phấn đấu cho sự phát triển bền vững và có kiểm soát trên thế giới, nhất quán phát triển quan hệ với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Nhóm các nước phát triển nhất (G-8) và SCO...

Nga ưu tiên hàng đầu việc sử dụng các biện pháp chính trị-ngoại giao, pháp luật, quân sự, kinh tế, tài chính và những công cụ khác để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và bảo đảm các lợi ích đối ngoại của mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục