Nga và Ukraine đã thỏa thuận không làm gián đoạn nguồn cung khí đốt, không đưa vấn đề khí đốt lên tòa án trọng tài quốc tế Stockholm, đồng thời không chuyển sang áp dụng cơ chế trả trước cho đến khi diễn ra cuộc gặp ba bên tiếp theo về khí đốt giữa Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Nga - có thể được tổ chức vào cuối tuần tới.
Phát biểu với báo giới về kết quả cuộc gặp ba bên lần thứ tư về khí đốt, diễn ra ngày 2/6 tại Brussels, Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga Alexei Miller cho biết thời gian tổ chức cuộc gặp ba bên tiếp theo phụ thuộc vào việc thanh toán nợ của Ukraine trong hai tháng 11 và 12/2013 với mức giá 385 USD/1.000m3, cũng như việc chuyển khoản 500 triệu USD tiền mua khí đốt trong tháng Tư và Năm đã đạt được trong cuộc đàm phán tại Berlin ngày 30/5 vừa qua.
Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tin tưởng Ukraine sẽ thanh toán toàn bộ khoản nợ 1,451 tỷ USD, tiền mua khí đốt trong hai tháng 11 và 12/2013.
Trước đó, Chủ tịch Gazprom, ông Miller không loại trừ khả năng lùi hạn áp dụng chế độ thanh toán trước tiền khí đốt đối với Ukraine sau ngày 9/6 trong trường hợp các bên tham gia đàm phán "không còn tồn tại bất cứ vấn đề gì."
Trong khi đó, Đại diện EU về năng lượng Guenther Oettinger nhấn mạnh Ủy ban châu Âu (EP) đã đề xuất kế hoạch thanh toán tiền khí đốt của Ukraine từ tháng 4/2014-6/2015 khi các bên đạt được sự đồng thuận về giá cả.
Ông Oettinger cho biết lãnh đạo tập đoàn Gazprom của Nga và công ty Dầu khí quốc gia Naftogaz (Ukraine) đang tiếp tục thảo luận để tìm "tiếng nói chung", tuy nhiên mức giá phải phù hợp với tiêu chuẩn thị trường từ 268,5-485 USD/1.000 m3.
Từ ngày 1/4, Gazprom đã tăng giá bán khí đốt cho Naftogaz từ 268,5USD/1.000m3 lên 485,5USD/1.000m3, đồng thời ngừng áp giá bán ưu đãi cho quốc gia láng giềng này.
Tuy nhiên, Kiev cho rằng mức giá hiện nay là không phù hợp với giá thị trường, trong khi Moskva khẳng định Gazprom tuân thủ hợp đồng đã ký kết và thực hiện đầy đủ cam kết của mình.
Cuộc tranh cãi khí đốt giữa Nga và Ukraine đã gây quan ngại cho EU, khối phụ thuộc tới 1/4 nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi một nửa lượng khí đốt cung cấp cho EU này được vận chuyển qua Ukraine./.