Nga tuyên bố chiến dịch của Ukraine ở Kursk thất bại

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Ukraine chỉ đang làm suy yếu lực lượng của chính họ khi tấn công vào khu vực Kursk của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ IX (EEF 2024). (Ảnh: TTXVN phát)
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ IX (EEF 2024). (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch tấn công thành phố Kursk của Ukraine là nhằm làm chậm bước tiến của Nga ở Donbass (miền Đông Ukraine) nhưng đã thất bại do Kiev chỉ đang làm suy yếu lực lượng của chính họ dọc theo phần còn lại của mặt trận.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), ông Putin nói rằng Ukraine bằng cách chuyển các đơn vị lớn và được huấn luyện tốt vào Nga đã tự làm suy yếu mình và cho phép Moskva đẩy nhanh cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine.

Ông chỉ ra rằng lực lượng Nga đã bắt đầu đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi Kursk, đồng thời tuyên bố cuộc tiến công của Nga vào thành phố Pokrovsk ở miền Đông Ukraine đã thành công.

Trong cuộc tấn công nước ngoài lớn nhất vào lãnh thổ có chủ quyền của Nga kể từ Thế Chiến II, hàng nghìn binh sĩ Ukraine đã tràn qua biên giới Nga vào ngày 6/8 với sự hỗ trợ của hàng loạt thiết bị bay không người lái, vũ khí hạng nặng và pháo binh, một số do phương Tây sản xuất.

Ông Putin cũng cho biết quân đội nước này đã tăng cường các hoạt động tấn công trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nhà lãnh đạo Nga xác nhận: “Sau khi triển khai các đơn vị khá lớn và được huấn luyện tốt tới các khu vực biên giới của chúng tôi, đối phương đã tự suy yếu ở các hướng chủ đạo và quân đội của chúng tôi đã tăng tốc các hoạt động tấn công”.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestia, người phát ngôn tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho rằng Ấn Độ có thể giúp mở một cuộc đối thoại về Ukraine, nhưng cho đến nay Moskva vẫn chưa thấy điều kiện tiên quyết nào cho các cuộc đàm phán.

Ông lưu ý đến "mối quan hệ hữu nghị, thậm chí mang tính xây dựng cao" hiện có giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Peskov, Thủ tướng Modi có thể "dẫn đầu trong việc thu thập thông tin trực tiếp từ những người tham gia cuộc xung đột này", khi ông "liên lạc với Putin, với (Tổng thống Ukraine) Zelensky và với người Mỹ"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục