Nga, Trung Quốc nhất trí cần hợp tác làm giảm căng thẳng Triều Tiên

Giới chức ngoại giao Nga và Trung Quốc đã nhất trí cần tăng cường các nỗ lực hợp tác nhằm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Giới chức ngoại giao Nga và Trung Quốc ngày 13/1 đã nhất trí cần tăng cường các nỗ lực hợp tác nhằm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Nga thông báo trong cuộc hội đàm tại Moskva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và người đồng cấp Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu đã nhất trí rằng căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á nên được giảm thiểu dựa trên nền tảng các sáng kiến hòa bình các bên cùng thúc đẩy.

Cùng ngày, nhận định về cuộc đối thoại liên Triều gần đây, Triều Tiên nêu rõ sự kiện này chứng minh rằng hai bên có thể giải quyết mọi vấn đề nếu thật sự mong muốn.

Trong một bài báo, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, khẳng định giờ là thời điểm cho hai miền Nam và Bắc trao đổi chân thành về vấn đề cải thiện mối quan hệ và tìm ra con đường cho dân tộc.

Trước đó, tờ báo này cũng cáo buộc Mỹ đang tìm cách phá hoại quá trình hòa giải vừa mới được tái khởi động trong quan hệ liên Triều, sau khi Mỹ điều tàu khu trục chạy bằng năng lượng hạt nhân Stennis đến Tây Thái Bình Dương.

Trong khi đó, đánh giá về các diễn biến tại khu vực, cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản nhận định Mỹ và các đồng minh hiện đang tham gia “quá trình mặc cả trước đàm phán” với Bình Nhưỡng, đồng thời cho rằng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn Trung tâm Chính sách an ninh Geneva, giáo sư Narushige Michishita thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng Mỹ và các đồng minh khu vực đã tiến hành “phương án quân sự ép buộc” thông qua việc sử dụng các máy bay ném bom B-1B, các máy bay tiêm kích tàng hình và các tàu sân bay.

Theo ông, đây là cách kiểm tra năng lực ứng phó của Triều Tiên, thu thập thông tin về ý định và năng lực của các lực lượng vũ trang Triều Tiên.

Tuy nhiên, vị giáo sư này cũng dự đoán Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu, bởi bất kỳ cuộc tấn công nào cũng cần phải phá hủy chương trình tên lửa và hạt nhân, cũng như các vũ khí thông thường như pháo tầm xa và bệ phóng tên lửa của Triều Tiên đang ngắm bắn vào Seoul.

Sau thiện chí đối thoại mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra trong thông điệp Năm mới 2018, ngày 9/1 vừa qua, hai miền Triều Tiên đã tiến hành cuộc đàm phán cấp cao lần đầu tiên sau 2 năm.

Kết thúc đàm phán, phía Triều Tiên nhất trí sẽ cử đoàn Ủy ban Olympic quốc gia, các vận động viên, đội cổ vũ, đội biểu diễn nghệ thuật, cổ động viên, một đội trình diễn Taekwondo và phóng viên tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang tại Hàn Quốc.

Phía Hàn Quốc sẽ cung cấp những cơ sở và tiện nghi cần thiết cho đoàn Triều Tiên.

Nếu việc này diễn ra đúng kế hoạch, Olympic mùa Đông PyeongChang từ ngày 9-25/2 tới sẽ là kỳ Olympic đầu tiên tại Hàn Quốc có sự góp mặt của Triều Tiên.

Trước đó, Bình Nhưỡng đã từ chối tham dự Thế vận hội mùa Hè 1988 tại thủ đô Seoul./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục