Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Liên bang Nga trong hai ngày 3-4/7 được cả hai bên đánh giá là có ý nghĩa quan trọng và được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này.
Cuộc hội đàm lần này giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin là cuộc gặp thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ đầu năm đến nay. Điều đó một lần nữa cho thấy Trung Quốc và Nga coi nhau là đối tác chiến lược quan trọng nhất và có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.
Năm 2013, chính ông Tập Cận Bình đã chọn Nga là điểm đến đầu tiên sau khi đảm nhiệm chức Chủ tịch Trung Quốc. Điều này có thể được giải thích là do Trung Quốc và Nga đang nỗ lực bắt tay nhau tạo ra mối quan hệ vững chắc nhằm khắc phục những khó khăn mà mỗi nước đang phải đối mặt cũng như đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây.
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện khá nồng ấm, như Chủ tịch Trung Quốc đánh giá là "đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử."
Cho dù các học giả phương Tây cho rằng mối quan hệ này khó có thể phát triển thành một liên minh, nhưng rõ ràng đây là mối quan hệ đối tác chiến lược ổn định và chính những thay đổi trong quan hệ quốc tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.
Nga, trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt kể từ năm 2014 sau cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đã nhanh chóng "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương, và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, là lựa chọn hàng đầu của Moskva trong chiến lược này.
Bắc Kinh cũng hy vọng Trung Quốc và Nga có thể duy trì mối quan hệ song phương theo cách tạo ra môi trường an toàn để hai nước láng giềng lớn đạt được các mục tiêu phát triển của mình và hỗ trợ lẫn nhau thông qua hợp tác cùng có lợi, hình thành một hình mẫu về việc các nước lớn có thể quản lý những khác biệt và hợp tác để thúc đẩy hệ thống quốc tế.
Từ năm 2011, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, trong khi Nga là nguồn cung cấp năng lượng chủ chốt của nước đông dân nhất thế giới và tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới như Trung Quốc.
Kim ngạch thương mại hai nước năm 2016 đạt 69,52 tỷ USD, và chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 32,8 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
[Ông Tập Cận Bình: Quan hệ Trung Quốc-Nga đang ở thời kỳ tốt nhất]
Hai nước cũng đang hợp tác khá hiệu quả trong các thể chế tài chính đa quốc gia mới, như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Ngân hàng phát triển mới của BRICS và Quỹ dự trữ ngoại hối BRICS.
Trong bối cảnh nền kinh tế cả hai nước đều trải qua giai đoạn khó khăn do những tác động từ bên ngoài, Moskva và Bắc Kinh cũng nhất trí kết nối giữa sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga làm đầu tàu.
Quan hệ an ninh giữa hai nước cũng được cải thiện đáng kể. Trung Quốc trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga.
Hợp tác quốc phòng Trung-Nga được mở rộng, bao gồm việc tham vấn giữa các nhân viên quân sự cấp cao, cùng đào tạo và tập trận chung, trong đó có tới trên dưới 10 lần tập trận chung chống khủng bố trong suốt thập niên qua và được thực hiện song phương hoặc dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Khi các liên kết kinh tế và quân sự được tăng cường, mối quan hệ chính trị cũng được đẩy mạnh với việc Nga và Trung Quốc tổ chức các cuộc họp thường xuyên hàng năm giữa các cấp lãnh đạo, tạo những lực đẩy mới cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển.
Bên cạnh việc duy trì mối quan hệ láng giềng thân thiện, Moskva và Bắc Kinh cũng phối hợp hiệu quả trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà 2 nước là ủy viên thường trực.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã đưa ra các lập trường tương tự nhau trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng như chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vấn đề hạt nhân của Iran, phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Chính phủ Syria, phản đối triển khai hệ thống Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.
Hai nước đã sử dụng các khuôn khổ ngoại giao như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), BRICS và SCO để phối hợp lập trường. Sự chia sẻ giữa Trung Quốc và Nga trong nhiều vấn đề quốc tế đã đặt nền móng cho một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Mặc dù quan hệ song phương đã được tăng cường mạnh mẽ, nhưng giữa hai nước vẫn tồn tại những khác biệt do vấn đề lịch sử để lại, đồng thời Moskva và Bắc Kinh không hẳn lúc nào cũng đặt trọng tâm giống nhau trong chính sách đối ngoại.
Sự hoài nghi của Nga trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước Trung Á, vốn được coi là sân sau của Moskva, cũng đang cản trở phần nào khả năng hợp tác giữa hai nước.
Ngoài ra, Nga cũng không được coi là thị trường thu hút giới đầu tư Trung Quốc do chi phí lao động ở nước này thiếu tính cạnh tranh và độ kết nối với các thị trường châu Âu không lớn.
Nhiều nhà quan sát cho rằng với khả năng khía cạnh kinh tế khó đạt được bước đột phá, cuộc gặp thượng đỉnh lần này giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình chủ yếu là vì mục đích chính trị.
Trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp và khó lường, sự hợp tác Nga-Trung Quốc đang tạo ra cán cân mới trong cục diện quốc tế. Hy vọng hai bên có thể phối hợp giải quyết một số vấn đề khu vực và toàn cầu trên tinh thần trách nhiệm của nước lớn, vì hòa bình và ổn định trên thế giới./.