Nga tiết lộ chức năng của trạm vũ trụ mới trong tương lai

Tổng giám đốc tập đoàn vũ trụ Nga Roscosmos tiết lộ Trạm dịch vụ quỹ đạo được xây dựng theo kiến trúc module có thể biến đổi, kéo dài thời gian phục vụ, hoạt động vì lợi ích quốc phòng và an ninh.
Mô hình trạm vũ trụ trong tương lai của Nga. (Nguồn: aerotime.aero)

Bài thuyết trình của Tổng giám đốc tập đoàn vũ trụ Nga Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, cho biết Trạm dịch vụ quỹ đạo (ROSS) tương lai của Nga sẽ được sử dụng vì lợi ích quốc phòng và an ninh.

Theo tài liệu này, những ưu điểm của trạm vũ trụ mới là kiến trúc module có thể biến đổi, kéo dài thời gian phục vụ, hoạt động vì lợi ích quốc phòng và an ninh, được sử dụng để lắp ráp hệ thống thám hiểm liên hành tinh.

Tài liệu cũng cho biết trong năm 2022, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sẽ tiến hành nghiên cứu để tạo ra thuốc kháng virus, cụ thể là chế tạo các loại thuốc chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ông Rogozin lưu ý rằng Roscosmos và NASA đang tham vấn về việc kéo dài hoạt động của ISS đến năm 2030.

[Nga phóng module Prichal nặng hơn 8 tấn lên Trạm vũ trụ quốc tế]

Theo ông, Nga đã đạt được một thỏa thuận với NASA về việc hỗ trợ kỹ thuật cho module Zarya cho đến năm 2024.

Roscosmos và NASA, phối hợp với Bộ Ngoại giao Nga, đã soạn thảo thỏa thuận về các chuyến bay chéo - các phi hành gia Mỹ bay trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga và các phi hành gia Nga trên tàu Mỹ.

Cũng trong năm 2022, chương trình Sphere đến năm 2030 sẽ được phê duyệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục