Truyền thông Nga đưa tin Tổng thống Vladimir Putin ngày 30/6 đã ký một sắc lệnh thành lập công ty mới vận hành dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu mỏ Sakhalin 2.
Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, sắc lệnh trên có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của Nhật Bản vào dự án Sakhalin 2.
Cụ thể, các tập đoàn Mitsui và Mitsubishi có thể buộc phải rút khỏi dự án khai thác dầu khí ở vùng Viễn Đông này của Nga, bởi theo sắc lệnh mới, các nhà đầu tư nước ngoài phải nộp đơn trong vòng một tháng để duy trì số cổ phẩn trong công ty mới.
Hiện Mitsui và Mitsubishi đang nắm giữ lần lượt 12,5% và 10% cổ phần trong dự án Sakhalin 2.
Nhật Bản hiện chịu tác động nặng nề từ giá năng lượng tăng cao do xung đột ở Ukraine và có thể sẽ buộc phải mua LNG trên thị trường với giá cao hơn. Khoảng 9% nhập khẩu LNG của Nhật Bản là từ Nga, phần lớn được dự án Sakhalin 2 cung cấp.
[Châu Âu sẵn sàng hỗ trợ các nước Baltic tách khỏi lưới điện của Nga]
Nếu không nhất trí các điều khoản mới, cổ phần của các nhà đầu tư trong dự án sẽ được đem bán. Tuy nhiên, hiện các điều khoản mới chưa được soạn thảo.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Putin, công ty mới sẽ thuộc tập đoàn năng lượng Gazprom và do đó sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Nga. Tất cả nhân viên và công việc của nhà điều hành hiện nay là Công ty đầu tư năng lượng Sakhalin sẽ chuyển sang công ty mới.
Sắc lệnh khẳng định việc thay đổi nhà vận hành dự án là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia Nga trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 1/7 khẳng định quyết định của Nga thay thế công ty vận hành dự án Sakhalin 2 sẽ không làm gián đoạn ngay lập tức hoạt động vận chuyển LNG tới Nhật Bản. Theo Thủ tướng Kishida, cần liên hệ với nhà vận hành và xem xét các biện pháp ứng phó thích hợp.
Phát biểu với phóng viên ngày 1/7, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Seiji Kihara cho biết chính phủ nước này đang đánh giá tác động của diễn biến mới nhất này.
Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì lợi ích trong các dự án dầu khí Sakhalin do tầm quan trọng của dự án đối với việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho Nhật Bản.
Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tập đoàn Shell của Anh, nắm giữ khoảng 27,5% cổ phần trong dự án Sakhalin 2, ngày 28/2 thông báo sẽ rút khỏi dự án. Hiện Gazprom đang nắm khoảng 50% cổ phần trong dự án.
Sakhalin 2 có thể sản xuất khoảng 10 triệu tấn LNG mỗi năm./.