Nga tăng mạnh lãi suất cơ bản lên 17% để cứu nền kinh tế

Trong một cuộc họp bất thường về chính sách tiền tệ-tín dụng, Ngân hàng Trung ương Nga (CB) đã tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 6,5 điểm phần trăm - từ 10,5% lên 17%/năm.
Đồng ruble. (Nguồn: Reuters)

Cuối ngày làm việc 15/12, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm 6,5 điểm phần trăm - từ 10,5% lên 17%/năm.

Quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp bất thường về chính sách tiền tệ-tín dụng nhằm "hạn chế các rủi ro phá giá và lạm phát đang gia tăng gần đây."

Gần đây, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nhiều lần tăng lãi suất cơ bản, tuy chưa từng ở mức đột ngột như ngày 15/12, trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với ba vấn đề "đau đầu" gồm lạm phạt tăng phi mã, đồng nội tệ phá giá mạnh và giá dầu giảm phá đáy liên tục. Đặc biệt là mức giảm giá đồng ruble gần đây đã không còn song hành với mức giảm giá dầu mỏ thế giới.

Ngày 15/12, khi giá dầu Brent giao tháng 1/2015 đã tăng 1,3%, đạt 63,13 USD/thùng thì đồng ruble đã không "phản ứng" cộng hưởng, mà giảm xuống 63,4 ruble/USD và 78,81 ruble/euro, lập kỷ lục về mức đáy mới trong 15 năm qua.

Cùng với việc tăng lãi suất để giữ chân các nhà đầu tư, Ngân hàng Trung ương Nga còn thi hành những biện pháp khác nhằm ổn định lại tình hình. Trong đó, ngoài quyết định thả nổi đồng ruble hồi cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương cũng nâng mức trần và tần suất đấu giá repo (mua lại), giữ nguyên các ưu đãi cho các công cụ chuyên dụng để hỗ trợ tính thanh khoản. Tất cả các biện pháp trên nằm trong Gói giải pháp 2.0 để chống lại nguy cơ lạm phát và phá giá.

Biến động trong nền kinh tế Nga có thể dự báo được trước, khi ngoài các yếu tố thị trường, Moskva còn bị Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Trong phát biểu ngày 15/12, phát ngôn viên Điện Kremli Dmitry Peskov khẳng định Nga có thể vượt qua khó khăn do tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế, thậm chí thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

Trong thông điệp liên bang mới đây, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài là động lực để Nga đạt mục tiêu đề ra, trong đó vào năm tới cần thoát khỏi mức tăng trưởng 0%, đuổi kịp và vượt mức tăng trưởng của thế giới, hạ mức lạm phát xuống dưới 4%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục