Nga-Sudan thúc đẩy thỏa thuận hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi

Nga và Sudan đã tiến hành đàm phán tại thủ đô Khartoum (Sudan) với một số thủ lĩnh phiến quân ở Cộng hòa Trung Phi.
Nga-Sudan thúc đẩy thỏa thuận hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi ảnh 1Nhóm dân quân chống Balaka tại Gambo, Cộng hòa Trung Phi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nga và Sudan đã tiến hành đàm phán tại thủ đô Khartoum (Sudan) với một số thủ lĩnh phiến quân ở Cộng hòa Trung Phi.

Trong một tuyên bố được phát ngày 29/8 trên Đài Phát thanh quốc gia, Bộ trưởng Truyền thông Cộng hòa Trung Phi Ange-Maxime Kazagui cho biết các đại diện của nhóm phiến quân Seleka và một nhóm vũ trang Cơ đốc giáo đã ký một bản ghi nhớ tại cuộc họp trên. Trong số này có thủ lĩnh Maxime Mokom, đứng đầu một trong những nhóm vũ trang Cơ đốc giáo lớn nhất tại Cộng hòa Trung Phi.

Tuyên bố của chính quyền Trung Phi đưa ra cùng ngày cho biết chính phủ nước này “lưu ý” về văn kiện được ký kết tại Khartoum và ủng hộ sáng kiến hòa bình và hòa giải của Liên minh châu Phi (AU).

Được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và một số đối tác chủ chốt của Cộng hòa Trung Phi, AU đang nỗ lực xúc tiến các cuộc thương lượng giữa Chính phủ Cộng hòa Trung Phi và các nhóm phiến quân kể từ tháng 7/2017, song chưa đạt được tiến bộ.

[Nga và Cộng hòa Trung Phi ký thỏa thuận về hợp tác quân sự]

Một nhóm AU dự kiến gặp đại diện của các nhóm phiến quân tại Cộng hòa Trung Phi nhằm thảo luận về 97 yêu sách mà những nhóm này đặt ra trước khi tiến tới một thỏa thuận chính thức. Trong sáu năm qua, bảy thỏa thuận hòa bình đã được ký kết tại Cộng hòa Trung Phi, nhưng không có thỏa thuận nào hiệu lực lâu dài.

Là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, Cộng hòa Trung Phi đã chìm trong bạo lực kể từ năm 2013, khi nhóm phiến quân Hồi giáo Seleka lật đổ Tổng thống Francois Bozize. Năm 2014, Pháp đã can thiệp quân sự để giúp chính quyền đối phó với Seleka, sau đó bàn giao lại nhiệm vụ này cho phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, năng lực của chính quyền trung ương còn rất hạn chế và bạo lực tiếp diễn đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.

Theo Liên hợp quốc, gần 700.000 người ở Cộng hòa Trung Phi buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong đó 570.000 người tị nạn ở nước ngoài và 2,5 triệu người dân nước này cần được viện trợ nhân đạo.

Từ đầu năm nay, Nga đã cung cấp vũ khí cho quân đội Cộng hòa Trung Phi sau khi được Liên hợp quốc cho phép. Ngoài ra, Nga cũng điều năm quân nhân và 170 nhân viên dân sự sang quốc gia châu Phi này nhằm hỗ trợ đào tạo lực lượng vũ trang của nước này.

Về đối ngoại, Nga đã hai lần tham gia với vai trò trung gian hòa giải giữa Chính phủ Cộng hòa Trung Phi và các nhóm phiến quân trong hai tháng qua, song đạt rất ít tiến bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục