Nga: Sự cố tàu vũ trụ Progress MS-21 có thể do tác động từ bên ngoài

Roscosmos đã đăng một bức ảnh cho thấy một lỗ hở đường kính 12mm trong bộ tản nhiệt của hệ thống điều khiển nhiệt của tàu vũ trụ Progress MS-21, đồng thời cho biết các tấm pin Mặt Trời cũng bị hư hại.
Nga: Sự cố tàu vũ trụ Progress MS-21 có thể do tác động từ bên ngoài ảnh 1Tàu vũ trụ chở hàng Progress MS-21 cập bến Trạm Vũ trụ Quốc tế ngày 28 tháng 10 năm 2022. (Nguồn: CFP)

Sự cố trên tàu vũ trụ chở hàng Progress MS-21 của Nga tách khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và rơi xuống Thái Bình Dương tuần trước có thể do tác động từ bên ngoài. Đây là kết luận điều tra sơ bộ của Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos công bố ngày 21/2.

Trong thông báo đăng tải trên mạng xã hội Telegram, Roscosmos cho biết kết luận này được đưa ra trên cơ sở những hình ảnh cho thấy thay đổi trên bề mặt ngoài của con tàu.

Roscosmos cũng đăng một bức ảnh cho thấy một lỗ hở đường kính khoảng 12mm trong bộ tản nhiệt của hệ thống điều khiển nhiệt, đồng thời cho biết các tấm pin Mặt Trời cũng bị hư hại.

Roscosmos thông báo hiện tượng mất áp suất trên tàu Progress MS-21 ngày 11/2 vừa qua khi tàu này đã lắp ghép với ISS. Để đảm bảo an toàn, tàu phải tách ra khỏi ISS ngày 18/2. Sau đó Roscosmos quyết định cho tàu rơi xuống Thái Bình Dương ngày 19/2.

[Nga: Mảnh vỡ của tàu vũ trụ Progress MS-21 rơi xuống Thái Bình Dương]

Cùng ngày 21/2, Roscosmos cho biết tàu cứu hộ Soyuz MS-23 dự kiến sẽ được phóng lên vũ trụ ngày 24/2 và lắp ghép với ISS ngày 26/2.

Tàu này dự kiến sẽ đưa 2 nhà du hành người Nga và 1 nhà du hành người Mỹ trên ISS trở về Trái Đất vào tháng 9/2023.

Trước đó, các nhà du hành này dự kiến trở về Trái Đất trên tàu Soyuz MS-22 vào ngày 15/12/2022, song tàu này cũng gặp sự cố hở mặt ngoài bộ tản nhiệt hệ thống điều khiển nhiệt.

Sau khi phân tích tình hình, Ủy ban điều tra quốc gia Nga quyết định đưa tàu Soyuz MS-22 trở về Trái Đất theo chế độ không người lái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục