Nga sẽ tìm khách hàng mới sau lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của EU

Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, đã tăng nhập khẩu từ Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng Hai.
Hệ thống đường ống dẫn khí của Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/5 đã nhất trí cấm phần lớn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, khi thực hiện gói các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine.

Lệnh cấm của EU được áp dụng với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga được vận chuyển qua đường biển, miễn trừ với dầu mỏ được vận chuyển bằng đường ống dẫn, sau khi Hungary lên tiếng phản đối.

Gói các biện pháp trừng phạt thứ sáu của EU nhằm vào Nga đã được toàn bộ 27 nước thành viên thông qua.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, đã hoan nghênh sự đồng thuận của các nước về các biện pháp trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ của Nga. Bà cho rằng chính sách này sẽ giảm 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu của EU từ Nga vào cuối năm.

Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, Mikhail Ulyanov, cho biết Nga sẽ tìm kiếm các khách hàng mới ngay sau khi khối thương mại lớn nhất thế giới nhất trí áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với dầu thô của nước này.

Khoảng 36% khối lượng nhập khẩu dầu của EU là từ Nga, quốc gia đóng vai trò lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Đây cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn về khí đốt tự nhiên.

[Trung Quốc, Ấn Độ trở thành khách hàng mua dầu mỏ lớn nhất của Nga]

Các quan chức Ukraine nhắc lại kêu gọi EU áp đặt lệnh trừng phạt hoàn toàn đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, ngày 31/5 kêu gọi EU tiếp tục hành động và thảo luận khả năng cấm vận khí đốt của Nga trong đợt trừng phạt tiếp theo.

Cũng trong ngày 31/5, Thủ tướng Áo Karl Nehammer kiên quyết phản đối ý tưởng trên, nói rằng đây sẽ không phải là chủ đề được thỏa luận khi EU thực hiện đợt trừng phạt thứ bảy.

Theo nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu năng lượng Oxford, Adi Imsirovic, quyết định của EU mở đường để khối này, cùng với Mỹ, gia tăng sức ép lên các nước nhập khẩu năng lượng khác như Ấn Độ trong việc áp đặt các biện pháp tương tự đối với dầu mỏ của Nga.

Theo số liệu của Refinitiv Eikon, Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, đã tăng nhập khẩu từ Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng Hai.

Ấn Độ cho biết việc đột ngột dừng nhập khẩu dầu của Nga sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng nước này.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng tăng cường nhập khẩu dầu mỏ của Nga với mức giá thấp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục