Nga sẽ tiếp tục nỗ lực đưa Hiệp ước cấm thử hạt nhân vào thực hiện

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc thúc đẩy thực hiện Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga.
Nga sẽ tiếp tục nỗ lực đưa Hiệp ước cấm thử hạt nhân vào thực hiện ảnh 1Một vụ nổ bom hạt nhân. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 16/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc thúc đẩy thực hiện Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga và Moskva sẽ tiếp tục nỗ lực theo hướng này.

Phát biểu tại buổi tiếp Thư ký điều hành của Tổ chức Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBTO) Lassina Zerb, Ngoại trưởng Lavrov đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của ông Zerbo trong việc duy trì, thúc đẩy CTBT theo hướng được phê chuẩn và đưa vào thực hiện.

Theo ông Lavrov, đây cũng là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Moskva cam kết ủng hộ những nỗ lực này trên cả phương diện chính trị, công nghệ và nhân sự.

Về phần mình, ông Zerbo nhấn mạnh chuyến thăm Nga lần này nhằm tham vấn với Moskva cách thức thúc đẩy đưa CTBT vào thực hiện trong "bối cảnh địa chính trị phức tạp" hiện nay.

[Nga cáo buộc NATO không sẵn sàng giải giáp vũ khí hạt nhân]

CTBT được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2016.

Tuy nhiên, để hiệp ước này có hiệu lực cần phải được 44 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc khả năng tiềm tàng chế tạo vũ khí hạt nhân (danh sách này được lập dựa trên cơ sở số liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Trước đó, trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/10, Cục trưởng Cục Kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov cho biết Nga lấy làm tiếc rằng không có bất cứ quốc gia hạt nhân nào trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thể hiện khả năng tham gia vào việc giải giáp vũ khí hạt nhân.

Ông Yermakov nhấn mạnh: "Sự tiến triển trên con đường giải giáp vũ khí hạt nhân không thể đạt được nếu không có sự tham gia tương ứng của tất cả các quốc gia sở hữu tiềm năng hạt nhân quân sự, trước hết là các cường quốc hạt nhân trong NATO."

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng đến nay chưa có bất cứ thành viên nào của NATO thể hiện ý định tham gia việc giải giáp loại vũ khí giết người hàng loạt này. Hiện, có ba quốc gia thành viên NATO sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục